Thứ năm, 18/4/2024
Thứ năm, 6/6/2019, 11:00 (GMT+7)

Chuyện chưa kể đằng sau vật cũ mòn của tuyển thủ Việt

Đôi giày cũ sờn, cây vợt bung lưới… dù không còn sử dụng được nhưng đó là minh chứng vô giá cho tháng ngày kiên trì luyện tập, chạm tới đỉnh cao sự nghiệp của Công Vinh, Lý Hoàng Nam...

Đôi giày cũ sờn da của cựu cầu thủ Lê Công Vinh vừa được trưng bày tại triển lãm "Vật cũ mòn.... chuyện chưa kể" do Milo tổ chức diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) vào ngày 31/5-1/6, thu hút khoảng 10.000 người tham dự.

Đôi giày này đã cùng Công Vinh chinh chiến và ghi hơn 20 bàn thắng (trong 100 bàn) tại V-League, được anh đặt ngay cạnh những quả bóng vàng danh giá. Anh trân trọng và giữ gìn nó cẩn thận bởi khi nhìn lại, anh thấy mình với những ngày tháng lăn xả trên sân cỏ, có vinh quang, mồ hôi và nước mắt. 

Không có yếu tố thiên bẩm, anh tự dặn bản thân phải kiên trì. Đôi giày đã đồng hành cùng anh luyện tập chăm chỉ, nỗ lực không ngừng để có được kỹ năng và thể lực như đồng đội trong đội tuyển quốc gia. Những buổi tập luyện miệt mài làm hai móng chân cái của anh bật ra, đau nhức, đôi giày bám đầy bùn đất, mồ hôi và cả máu. 

Thời gian khó khăn khi tập luyện tại đội tuyển đã tôi luyện cho anh ý chí kiên cường, từng bước gặt hái thành công, trở thành cầu thủ xuất sắc. Anh chia sẻ, những ai đã đam mê với trái bóng hãy nỗ lực hết mình, sự bền bỉ và quyết tâm rèn luyện mỗi ngày sẽ đem đến thành quả.

Chiếc đai võ sử dụng cách đây 10 năm được nhà vô địch Taekwondo thế giới - Châu Tuyết Vân mang theo mỗi lần thi đấu. Chị trân quý chiếc đai này vì nó đánh dấu mốc thời gian chị dày công tập luyện, bền bỉ với quyết tâm được vào đội tuyển Taekwondo quốc gia và giành huy chương vàng đầu tiên trong sự nghiệp.

Đằng sau vật dụng thể thao còn là câu chuyện bền bỉ vượt thử thách, biến đam mê thành hiện thực của nữ vận động viên. Chị nhớ lại năm lớp 12, khoảng thời gian phải nỗ lực gấp đôi để vừa chuẩn bị cho hai kỳ thi quan trọng, vừa theo đuổi môn thể thao yêu thích.

Đều đặn 17h mỗi ngày, chị đến sân Quân khu 7 để tập luyện và về muộn hơn các bạn khác để bù đắp thời gian đến trễ. Sự bền bỉ, kiên trì giúp nữ vận động viên giành tấm huy chương vàng thế giới đầu tiên trong sự nghiệp (năm 2010). Khi quốc ca Việt Nam được vang lên trước hơn 60 quốc gia, chị đã bật khóc vì cố gắng được đáp đền.

Cây vợt bung lưới của Lý Hoàng Nam là minh chứng cho quá trình tập luyện không ngừng nghỉ. Tay vợt số 1 Việt Nam bắt đầu tập chơi tennis từ năm 9 tuổi khi theo học tại Bình Dương, anh không hiểu vì sao anh đam mê tennis đến mức ôm cây vợt lên giường ngủ. Sau đó, ba mẹ ủng hộ anh xuống Bình Dương mỗi ngày để tập, anh gặp được thầy Trần Đức Quỳnh, cựu tay vợt nam nổi tiếng của Việt Nam, nhận chỉ dạy.

Mỗi ngày, anh đều nhờ ba mẹ chở đến sân tập, thi đấu với những đối thủ khác nhau. Anh hạ quyết tâm khi nào đánh thắng đối thủ mới thôi. Cây vợt cũ cùng anh chinh chiến với những đối thủ mạnh, thi đấu ở giải quốc gia, quốc tế, giành tấm huy chương đầu tiên trong sự nghiệp. Nó là loại vợt chất lượng tốt, hiện không còn sản xuất nữa nên anh càng trân quý.

Khi vật dụng cũ mòn đi là lúc anh đến gần hơn với thành công. Từ cậu bé phụ nhặt bóng trên sân quần vợt, Lý Hoàng Nam đã trở thành tay vợt số 1 Việt Nam khi mới 15 tuổi, vươn lên đứng số một Đông Nam Á khi 20 tuổi. 

Trái bóng rổ cùng tuyển thủ Stefan Nguyễn Tuấn Tú đến với con đường thi đấu chuyên nghiệp. Lúc sống ở Thụy Điển, anh tìm đến bóng rổ như một nguồn động viên tinh thần, mỗi lần chơi thể thao anh quên hết những buồn tủi, cô đơn nơi xứ người. Rồi bóng rổ khiến anh say mê, anh tập luyện đến mức tối đi ngủ cũng ôm trái bóng.

Đến một ngày, anh thấy U15 của đội tuyển quốc gia Thụy Điển tuyển thành viên, cơ hội chứng tỏ bản thân đã đến. Anh lọt Top 12 trong 1.000 người dự thi. Thành tích này giúp anh tự hào vì anh là người châu Á nhưng khả năng, tầm vóc thể chất không thua kém các vận động viên khác. Đấy cũng là lý do anh quý trọng trái bóng rổ đầu tiên bắt đầu sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp.

Trái bóng trở thành vật kỷ niệm, anh trân quý mang theo khi về Việt Nam. Nỗ lực, bền bỉ, quyết tâm và cả chiến thắng vinh quang, nó đều cùng anh trải qua. Có trái bóng cũ mòn 13 năm về trước, mới có Stefan ngày hôm nay.

Với hậu vệ U23 Việt Nam - Đoàn Văn Hậu, đồ vật thể thao là minh chứng cho những giọt mồ hôi, nước mắt, những cố gắng bền bỉ luyện tập tính bằng năm tháng và niềm đam mê thể thao cháy bỏng của các vận động viên.

Văn Hậu nhớ lại trong quá trình tập luyện, anh đã làm cũ hàng nghìn quả bóng. Mỗi quả bóng không dùng nữa đều mang đến cho chàng hậu vệ một bài học. Quả bóng rách toạc cho anh biết sự bền bỉ, vững vàng, điềm tĩnh. Quả bóng thay đổi hình dạng dạy anh rằng kỹ năng phải đi cùng với ứng biến.

Những bài học quý giá anh đã không thể có nếu thiếu đi quả bóng làm bạn cùng anh thời thơ bé giữa bốn bức tường, cùng anh dãi dầu mưa nắng, mặc kệ khó khăn. Anh tâm niệm “có đam mê thì hãy theo đuổi”.

Đằng sau mỗi vật dụng thể thao cũ mòn là quá trình luyện tập bền bỉ, học cách đứng lên sau thất bại, nỗ lực chiến thắng bản thân, quyết tâm theo đuổi đến cùng đam mê. Triển lãm "Vật cũ mòn... chuyện chưa kể" truyền cảm hứng cho mọi người trên con đường thực hiện ước mơ trở thành nhà vô địch thực sự.

Bà Lê Bùi Thị Mai Uyên, Quản lý cấp cao nhóm nhãn hàng Milo cho biết, nhà vô địch không phải chỉ xuất hiện với thành tích vẻ vang mà đó còn là những em thiếu nhi luôn giữ vững quyết tâm rèn luyện đứng lên sau thất bại, trưởng thành sau mỗi giờ luyện tập. Khi một vật dụng cũ mòn đi, cuộc sống đón chào một nhà vô địch mới.

Kim Uyên
Ảnh: Quỳnh Trần