Thứ năm, 28/3/2024
Thứ bảy, 12/10/2019, 10:00 (GMT+7)

Căn hộ TPHCM có 6 mái vòm

Thay vì tường, các không gian trong nhà được phân chia ước lệ qua 6 hệ khung vòm, giúp giấu đi các ống kỹ thuật.

Căn hộ rộng 63 m2 thuộc một chung cư ở Tân Phú, TP HCM là tổ ấm của cặp vợ chồng và một cậu con trai đang học tiểu học. Chủ nhà là một người có cá tính. Cải tạo nhà vào năm 2019, chị muốn không gian sống ngoài đáp ứng các yêu cầu về công năng, phải độc đáo và mới mẻ.

Kiến trúc sư Đặng Đức Hòa và các đồng nghiệp tại Block Architects đã quyết định dỡ bỏ một số bức tường, thay vào đó là các hệ khung mái vòm xếp đan nhau tạo ra các khoảng trống, để không gian được phân chia một cách ước lệ mà vẫn có sự liên kết.

Chiều cao vốn có của căn hộ là 3m. Tuy nhiên, căn hộ có nhiều đường ống kỹ thuật đi phía trên, một số đường ống thường đi khá thấp (khoảng 2,4m) nên nếu đóng trần thạch cao thẳng thì chiều cao thông thủy chỉ được khoảng 2,4 - 2,6m tuỳ vị trí. Với giải pháp trần vòm, chiều cao tính từ sàn nhà tới đỉnh vòm được khoảng 2,9m.

Các ống kỹ thuật sẽ đi ở bên hông vòm. Ngoài ra, hệ vòm cũng tích hợp thêm một số tủ kệ như tủ nhà bếp, kệ trong phòng ngủ.

Bên cạnh việc đạt được chiều cao tối ưu so với giải pháp đóng trần phẳng, hệ mái vòm còn góp phần tăng sự mềm mại cho không gian.

Cùng với màu sơn, hoa văn gạch bông, mái vòm, tường và tủ cùng chất liệu gỗ thông giúp không gian có cá tính mà vẫn nhẹ nhàng.

Nhà nằm trên tầng 20, nơi mối mọt gần như không thể sống, kiến trúc sư và chủ nhà tự tin sử dụng nội thất bằng gỗ thông không sơn, chỉ quét một lớp dầu bảo vệ để đảm bảo tính mộc mạc của không gian.

Chuyển về nhà mới sống, chủ nhà rất hài lòng. Mái vòm giúp bước vào căn hộ, họ không bị cảm giác giống như chui vào một cái hộp nhàm chán mà ta thường gặp ở đa số các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ. Thay vào đó, họ có cảm giác giống như sống trong một ngôi nhà gỗ nơi đồng quê.

Bản vẽ mặt bằng sàn nhà.

Bản vẽ mặt bằng trần nhà.

Bài: Thái Bình

Ảnh: Quang Dam