Thứ năm, 28/3/2024
Chủ nhật, 28/6/2020, 20:56 (GMT+7)

300 gia đình đến với trẻ mồ côi

Hà NộiCác bậc cha mẹ đã dẫn con cái tới giao lưu với trẻ mồ côi trong Làng trẻ SOS và cùng trải nghiệm những hoạt động của Ngày Gia đình Việt Nam, sáng 28/6.

Hơn 7h sáng, trời đã đã báo hiệu một ngày nắng gắt. Làng trẻ SOS (Mai Dịch, Hà Nội) đón các gia đình từ nhiều nơi đổ về tham gia hoạt động Ngày hội gia đình.

Từ 16 khu "Nhà gia đình" trong làng trẻ, những đứa trẻ cũng ùa ra, nhanh chóng tìm được trò chơi yêu thích.

Đây là hoạt động được tổ chức Mầm nhỏ - Hộp háo hức do MC Minh Trang sáng lập, kết hợp với Làng trẻ SOS tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam, với mục đích trải nghiệm và kết nối hơn 300 gia đình tại Hà Nội với hơn 200 trẻ em trong làng trẻ.

Một bạn nhỏ trong làng trẻ (trái) chơi tô vẽ bên người bạn mới quen. Theo bà Khuất Thị Lợi, 61 tuổi, người đã dành hơn 30 năm làm Mẹ của những trẻ em tại đây, chia sẻ, từ chiều tối qua, khi thấy những tình nguyện viên trang trí sân khấu, các con đã háo hức hỏi các mẹ và mong chờ hoạt động ngày hôm nay. Gần nửa năm, do Covid-19, mà những hoạt động giao lưu với bên ngoài mới quay trở lại.

"Các hoạt động trong Tết Thiếu nhi, Trung thu hay Noel rất phổ biến, nhưng hoạt động vào Ngày Gia đình Việt Nam thì ít khi được tổ chức. Các con vào đây đều mất cha mẹ hoặc bị bỏ rơi... nên luôn khát khao tình cảm", mẹ Lợi chia sẻ.

Các bé trai tò mò trước trò kendama, từng được thấy trong bộ phim Doraemon. Hơn chục bé cầm trên tay bộ đồ chơi bằng gỗ, hất cho trái bóng nhỏ bay lên không, rồi khéo léo đưa đầu nhọn của tay cầm đón trái bóng. Chúng nhẩy cẫng lên reo hò khi một tiếng "cộp" gọn ghẽ vang lên, trái bóng đã rơi đúng tay cầm.

Trò chơi này có nguồn gốc từ Nhật Bản, rèn cho người chơi sự kiên trì, khéo léo.

"Chúng tôi hay tổ chức hoạt động tại Hồ Gươm, trẻ em luôn muốn làm động tác khó ngay. Khi không làm được thì không hứng thú chơi nữa. Nhưng hôm nay hướng dẫn trong làng trẻ, tôi thấy các con tuần tự nghe theo, tập từ dễ đến khó", Huỳnh Đức, một thành viên trong CLB Kendama Việt Nam chia sẻ. Đức hi vọng có thể bồi dưỡng được vài trẻ có năng khiếu sau hoạt động hôm nay.

Tại khu mộc, tiếng gõ búa chan chát rộn rã từ trước lúc bắt đầu chương trình. Những đứa trẻ của làng SOS và trẻ từ ngoài, cùng đánh bóng các khối gỗ, rồi đóng thành các mô hình ô tô, trực thăng, tàu thủy...

Dậy từ hơn 5h sáng, con trai 4 tuổi của vợ chồng anh Phạm Quanh Thành (phải) , 31 tuổi ở Tam Nông, Phú Thọ không hề tỏ ra mệt mỏi khi đi chặng đường hơn 80 km tới đây.

Cậu bé thích cưa gỗ, xếp gỗ, kago. "Vợ tôi thường đưa con xuống Hà Nội tham gia các hoạt động vui chơi. Trước tiên mong con được vui vẻ, sau là được trải nghiệm, giao lưu với các bạn nhỏ trong này", anh Quang cho hay.

Con trai 5 tuổi của anh Nguyễn Văn Trung (đội mũ), 35 tuổi, ở Đội Cấn, Ba Đình chơi hàng giờ bên các anh lớn hơn tại làng trẻ, xung quanh các hoạt động làm mộc. Trong ảnh các bé đang cưa gỗ.

Mỗi bé trong làng trẻ sẽ được cho 10 xu để tham gia các trò chơi. Cậu bé Long, 7 tuổi, đã chi 5 xu vào trò tô vẽ lên những miếng gỗ tròn. "Em sẽ mang về tặng mẹ và các anh chị", bé nói.

Một cậu bé hí hứng khoe thành quả. Em đã tự làm mặt nạ người nhện và đóng trực thăng và còn được tặng chai nước.

Ngoài hơn 20 trò chơi, đổi sách, các bé còn được khám chữa răng hàm mặt, khám nội.

Trong chương trình cũng ra mắt hoạt động thiện nguyện Cùng em háo hức. MC Minh Trang, người sáng lập Hộp Háo Hức mong muốn "hoạt động thiện nguyện sẽ kết nối được nhiều cá nhân, tổ chức, cùng lan tỏa văn hóa đọc và chung tay mỗi tháng mang 1.000 Hộp Háo hức (với sách và trò chơi) đến cho trẻ em tại các làng trẻ, mái ấm".

Làng trẻ SOS được thành lập năm 1988, đến nay đã nuôi được hơn 500 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Trong làng có 16 khu "nhà gia đình" - nơi một người mẹ sống và chăm sóc cho 8-10 bé.

"Hàng tháng trung tâm luôn có hoạt động cho các con. Nhưng vì giãn cách xã hội do dịch bệnh nên từ Tết tới nay chúng tôi mới có hoạt động đầu tiên. Được chơi, được gặp gỡ và nhận quà, các con vui lắm", ông Nguyễn Văn Sinh, giám đốc Làng trẻ SOS nói.