Trưa 25/6, rời điểm thi THPT Colette (quận 3, TP HCM) sau khi hoàn thành môn Văn, Nguyễn Thị Vinh (23 tuổi) ôm chầm lấy chị gái, gương mặt rạng rỡ, ra dấu hiệu "đề hơi khó nhưng em làm bài được".
Vinh bị khiếm thính 70%, là một trong số ít thí sinh khuyết tật tại điểm thi này. Dù khá giỏi Toán nhưng cô chọn khối ngành xã hội (Văn, Sử, Địa) để xét tuyển vào ngành Giáo dục đặc biệt Đại học Đồng Nai.
Chị của Vinh kể, do tật khiếm thính mà việc học của em bị chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Từ nhỏ, cô được đưa ra Hà Nội điều trị suốt nhiều năm, lên 8 tuổi mới vào lớp 1 trường khuyết tật Hy Vọng ở TP Buôn Mê Thuột. Tại đây, Vinh được thầy cô khen hiểu bài nhanh, học vượt một năm hai lớp.
Lên lớp 6 Vinh học tại Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật TP HCM, học song song văn hóa và nghề. Suốt quãng đời học sinh cô đều đạt danh hiệu học sinh khá giỏi.
Giống như nhiều bạn khiếm thính, Vinh sợ nhất môn Văn do bị hạn chế về vốn từ. Em có thể làm được các bài tập đọc hiểu nhưng không thể phân tích, suy luận, mở rộng vấn đề, dù cố gắng nhiều cũng không thể cải thiện. Các câu văn của Vinh thường cụt, khô khan. Bù lại, cô rất thích tiếng Anh và tiếng Trung, có thể dành hàng giờ để học từ vựng qua mạng, sách vở.
Khi được hỏi có mặc cảm với khuyết tật của mình không, Vinh cười, lắc tay liên hồi. Trước đây học chung với các bạn bình thường cô có chút chạnh lòng. Nhưng từ khi học chung với những bạn khuyết tật, cô tìm được đồng cảm và cố gắng học tập nhiều hơn. "Em luôn tự nhủ phải tìm được một nghề để tự lo cho mình và có thể giúp cho các bạn nhỏ khuyết tật sau này", Vinh ra dấu, nói.
Cùng thi THPT quốc gia tại điểm thi này còn có bạn thân của Vinh - Võ Quốc Thắng (24 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh). Cậu cũng bị khiếm thính, phải tự học, đọc nhiều sách và tìm tòi tài liệu trên mạng vì gia đình không biết ngôn ngữ ký hiệu, chỉ giao tiếp bằng cách viết ra giấy.
Giống Vinh, Thắng dự định vào ngành Giáo dục đặc biệt (Đại học Đồng Nai), hy vọng có thể trở về quê Long An để dạy cho các em tiểu học ở trường khuyết tật.
Ông Võ Hoàng Dũng (cha của Thắng) kể, hồi bé em rất nản lòng khi gặp nhiều khó khăn trong việc học. Khi chuyển đến trung tâm bảo trợ người khuyết tật, chương trình học nặng hơn khiến Thắng có lúc muốn buông bỏ.
"Nhờ quyết tâm hết mình, cháu đã vượt qua khó khăn để tiến bộ và lạc quan với cuộc sống. Tôi càng vui hơn khi Thắng và Vinh rất thân nhau, cùng giúp đỡ và chia sẻ trong cuộc sống", ông Dũng nói.
Năm nay cả nước có gần 926.000 thí sinh thi THPT quốc gia để xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Riêng TP HCM có hơn 78.300 thí sinh dự thi tại 124 điểm.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài, trong đó 3 bài độc lập, bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Nguyễn Mai - Yến Nhi