Truyện mọi thể loại được đưa lên Internet. Ảnh: N.H.
Mê đọc từ nhỏ, Hoàng từng ôm truyện vừa đi vừa đọc, vài lần mải đến nỗi đập đầu vào cột điện trong ngõ hoặc va phải... chó. Khi lên đại học, được bố mẹ mua cho chiếc máy tính, cậu phát hiện ra một cách đọc "an toàn" hơn là lần mò ở các cửa hàng bán đĩa CD để có truyện đọc trên máy.
Giới mê truyện từ lâu đã quá quen thuộc với phần mềm Acrobat Reader để thưởng thức những cuốn được gọi là "e-book" (sách điện tử) theo định dạng PDF. Các cửa hàng "phát hành" e-book chuyên scan lại những cuốn sách đã xuất bản bằng giấy, lưu dưới định dạng này và sao ra đĩa CD bán với giá chỉ 5.000-7.000 đồng/đĩa. Còn người dùng thì tiếp tục "phát tán" miễn phí cho bạn bè.
Với nguồn truyện kiếm hiệp đồ sộ và tiện lợi này, Hoàng sướng như vớ được vàng. Nhưng cũng từ đấy, đầu óc cậu luôn nhớ tới thế giới của hiệp khách giang hồ hành trượng đại nghĩa, những âm mưu và những mối tình sầu khổ như câu thơ trong Ỷ thiên đồ long ký của nhà văn Kim Dung:
"Gặp nhau lòng những vui vầy,
Xa nhau dạ những luống đầy khổ đau.
Cõi tình mê đắm ai đâu?
Chim kia thiếu bạn tiếng sầu lẻ loi.
Từng mây muôn dặm xa xôi,
Núi cao tuyết trắng nơi nơi cũng là.
Một mình cô tịch gần xa,
Trăm năm bến cũ biết là về đâu?"
Bởi vậy, chàng sinh viên chuyên ngành xây dựng của một trường đại học tại Hà Nội này đến nay thi đi thi lại đến năm thứ 7 mà vẫn thấy các công thức tính bê tông, cốt thép thật xa vời và vẫn chưa tốt nghiệp được, còn thân hình vẫn mỏng manh như một chiếc lá phất phơ trong gió thu.
"Sang" hơn nữa, Lân, kỹ sư hóa máy vừa ra trường, lắp đặt cho mình một đường ADSL để tiện tìm kiếm truyện trên mạng. Các website, diễn đàn, blog... đăng tải những nội dung này ngày càng đầy rẫy, đủ mọi thể loại, từ tiểu thuyết kinh điển đến truyện chưởng, truyện tranh và cả... truyện ma.
"Mơ ước sở hữu một tủ truyện to từ hồi nhỏ của tôi không thực hiện được vì không có tiền", Lân kể. "Nhìn bọn bạn có giá sách toàn Doraemon, 7 viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan... thèm lắm, nhưng bây giờ, khi lo học hành xong, được công việc ổn định, tôi có cơ hội này rồi".
Như để bù lại một tuổi thơ thiếu thốn, Lân đọc ngấu nghiến những truyện nổi tiếng mà giới học sinh, sinh viên truyền tụng, cảm giác như sống lại một thế giới thần tiên. "Thích nhất là đọc truyện tranh trên mạng, lật giở các trang truyện bay bay mềm mại như thật", Lân hồ hởi khoe.
Một trang web quét truyện tranh giấy lên mạng và nhúng hiệu ứng lật trang mềm mại. Ảnh chụp màn hình. |
Dù vậy, các website truyện giống như một mớ bòng bong, chứa đủ nội dung, từ thơ ngây nhất đến tầm bậy nhất. Vì thế mà một lần định khoe trang truyện tranh với cô bạn gái mới quen, Lân gặp phải "tai nạn" khi lỡ gõ từ khóa trên Google, thay vì gõ tên web trực tiếp. Trang kết quả trả về chứa những site "nhạy cảm" ngay trên cùng, khiến cô bạn mặt đỏ tưng bừng, đùng đùng bỏ về vì nghĩ anh chàng "có ý đồ xấu".
Chị My, một nhân viên văn phòng, cũng một phen tá hỏa vì đã cho cậu con trai học lớp 2 nghịch máy tính. "Mẹ ơi, ai bảo là chỉ có truyện tranh cho trẻ con? Người lớn cũng có truyện tranh này" - tiếng lanh lảnh của cậu bé làm chị giật mình, rơi cả dao đang gọt khoai. May mà chị kịp chạy vào chụp lấy chuột di sang trang khác. "Đó là trang người lớn thi vẽ truyện cho trẻ con thôi, họ viết những truyện mà con đang đọc đây này", chị My chống chế rồi lừa cậu bé đi uống nước cam.
Từ hôm đó, chị phải rà soát các trang web, chỉ tải về những truyện hợp với trẻ con và cho cậu bé xem "offline". "Mạng ngày càng kinh khủng, Google Search cũng quá kinh khủng", chị than thở. "Tôi khóa cả Internet vì những trang đăng truyện thơ ngây cho trẻ cũng có link sang nội dung 18+ dành cho người lớn và truy cập rất dễ dàng".
Trong cảnh "gà trống nuôi con", anh Huy nhiều lần lúng túng khi dạy dỗ cô con gái tuổi mới lớn. "Một lần tôi bắt gặp nó đọc tập truyện ma quỷ 'người lớn' mà bọn trẻ truyền cho nhau, đã cấm đoán và khuyên bảo đủ điều", anh phàn nàn. "Nhưng hóa ra là nó vẫn tiếp tục đọc được dù rúc vào trong chăn, chỉ vì tôi lỡ cho nó chiếc PDA xem được mọi thứ đã số hóa".
Việt Toàn