Chia sẻ tại hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức để hội nhập và phát triển” ngày 27/12, ông Đinh Sơn Hùng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển TP HCM cho biết nền kinh tế của Việt Nam như “lá trong tâm bão”. Doanh nghiệp đang quay cuồng không tìm được lối ra, hàng tồn kho cao, khó thu lãi. Mặt khác, doanh nghiệp chịu sức ép trả nợ và lãi vay rất cao. Chính vì vậy, để cứu doanh nghiệp, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ và cụ thể đối với từng doanh nghiệp, từng loại hình ngành nghề chứ không thể chỉ sử dụng chung một giải pháp.
PGS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học kinh tế TP HCM cũng cho biết, điều không bình thường dẫn đến thực trạng doanh nghiệp “ốm yếu” như hiện nay là do việc thành lập doanh nghiệp quá “thoáng”, quá trình hậu kiểm thì lại quá “hở”. Cơ quan thẩm quyền không nắm được chắc doanh nghiệp của mình nên dẫn đến bắt và chữa bệnh không đúng.
Theo bà, muốn chữa được bệnh phải bắt đúng mạch. Bằng mọi cách phải tìm ra tình trạng doanh nghiệp. Muốn xác định được trình trạng sức khỏe thì chính doanh nghiệp phải tự khám mình trước. Do vậy, doanh nghiệp cần kết hợp với Viện nghiên cứu, Nhà nước tìm nguyên nhân khiến mình rơi vào khó khăn và cải tiến, loại bỏ nó.
![]() |
PGS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học kinh tế TP HCM: "Muốn xác định được trình trạng sức khỏe thì chính doanh nghiệp phải tự khám mình trước". Ảnh: Hồng Châu |
Bà lấy ví dụ, hàng thực phẩm tiêu dùng và bán lẻ đang trong tình trạng tồn kho cao. Trước hết doanh nghiệp đó cần xác định sức cạnh tranh của hàng đó trên thị trường Việt Nam, giá cả có thuyết phục không, chất lượng hàng hóa ra sao. Doanh nghiêp phải nỗ lực bằng cách cải tiến sản phẩm để có được hàng tốt, giá cạnh tranh. Có thế mới tăng sức mua, giải phóng hàng tồn.
Cụ thể hơn, đối với trứng, nếu muốn sản phẩm này được người tiêu dùng tin tưởng thì nhà sản xuất phải chứng minh nguồn gốc ở đâu, gà đẻ ra trứng đó ăn thức ăn gì, nuôi trong điều kiện như thế nào. Khi đảm bảo được sự an toàn của sản phẩm thì doanh nghiệp sẽ đứng vững được trên thị trường, hàng tồn kho sẽ dần dần biến mất.
Như vậy, khi bắt đúng bệnh, doanh nghiệp sẽ biết được đâu là giá trị phát huy và đâu là điểm cần cần loại bỏ. Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một giải pháp được Công ty Hòa Bình đang thực hiện và mang lại tín hiệu tốt là giảm tăng trưởng doanh thu để tránh mất cân đối các chỉ số tài chính.
Cụ thể, lãnh đạo công ty cho biết trong quá khứ Hòa Bình tăng trưởng 56%/năm, nhưng năm 2011 chỉ tăng trưởng 30% và sang năm 2012 còn thấp hơn, có 20%. Giải pháp mà công ty áp dụng là phát hành vốn cho cổ đông hiện hữu và chiến lược. Công ty sẽ phát hành cổ phần bằng với giá trị sổ sách là 20.000 đồng/cổ phần. Hòa Bình ký hợp đồng với công ty kiểm toán để kiểm soát dòng tiền sao cho hiệu quả để tránh mất khả năng thanh toán.
TS Nguyễn Văn Cường, Vụ phó văn phòng Chính Phủ cho biết năm 2013 sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về mặt thuế suất và tài chính. Dự kiến sẽ áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20% từ giữa năm tháng 7, giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra, giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu vào từ đầu tháng 7 cho đến hết 2014.
Hồng Châu