Hai lần cắt lãi suất trong vòng một tháng của Trung Quốc đã hạ lãi vay xuống 170 điểm cơ bản. Tuy nhiên, mức này vẫn không đủ để hàng chục doanh nghiệp nhỏ trên khắp Bắc Kinh khôi phục hoạt động. Các thủ tục phiền hà và yêu cầu thế chấp đã buộc họ phải vay tiền từ gia đình và bạn bè để mở rộng kinh doanh khi kinh tế khởi sắc. Còn trong tình trạng ảm đạm như hiện nay, khả năng vay được vốn ngân hàng gần như bằng 0.
![]() |
Các doanh nghiệp nhỏ Trung Quốc vẫn khó tiếp cận vốn. Ảnh: CNBC |
Anh He - Giám đốc một công ty sản xuất ga giường cho biết: “Việc kinh doanh năm nay chỉ bằng một phần ba năm ngoái”. Các chính sách siết chặt mua nhà mới của Bắc Kinh đã làm công ty anh bế tắc. Vì thế, những tin nhắn chào mời vay tiền của ngân hàng cũng chẳng khiến anh He quan tâm. Anh Zheng - chủ một doanh nghiệp buôn bán lụa thì cho rằng vay ngân hàng để kinh doanh bây giờ là rất rủi ro và không cần thiết khi kinh tế đang trì trệ.
Các công ty nước này cần tiếp tục tạo việc làm và đối phó với rủi ro tăng trưởng dưới mục tiêu 7,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Mối lo này đã gần cận kề khi GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 7,6% so với cùng kỳ. Các công ty vừa và nhỏ chiếm 60% kinh tế nước này và tạo ra tới 75% việc làm, vì thế, họ có tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng rất lớn.
Tuy nhiên, các công ty vừa và nhỏ không phải lúc nào cũng e ngại vay tiền từ ngân hàng. Một năm trước, họ còn phàn nàn về việc thiếu vốn khi chính sách tiền tệ thắt chặt khiến ngân hàng chuyển hướng cho vay các doanh nghiệp nhà nước lớn.
Hiện nay, kể cả khi lãi suất đã được hạ đáng kể, nhưng nếu các công ty tư nhân không vay, thì doanh nghiệp nhà nước có thể bị buộc phải làm điều này. Tình trạng trên đã từng xảy ra vào giai đoạn 2008 - 2010, khiến các chính quyền địa phương gánh khoản nợ tới 10.700 tỷ NDT và để lại khoản nợ xấu 2.000 - 3000 tỷ NDT cho ngân hàng.
Giám đốc bộ phận Đông Á tại ngân hàng ADB - Robert Wihtol chia sẻ ông rất quan tâm tới việc cải tổ tín dụng tại các doanh nghiệp nhà nước. Trong một chuyến thăm đến Bắc Kinh, ông Wihtol phát biểu: “Việc này liên quan trực tiếp đến quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế dựa vào vào dịch vụ và tiêu dùng. Đây là vấn đề cốt yếu mà chính phủ Trung Quốc phải giải quyết vì hiện các công ty vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được nguồn vốn cần thiết”.
Cô Zhu Ping - Giám đốc một công ty đồ chơi cho biết, vay ngân hàng chỉ có ý nghĩa nếu cô cần ít nhất 1 triệu NDT. Cô nói: “Việc vay vài trăm nhìn tệ của ngân hàng là rất vô ích. Vì gộp tài sản của vài gia đình bất kỳ ở đây cũng đủ để cho vay rồi”.
Giám đốc tài chính của một công ty ở phía Nam Bắc Kinh cho biết lãi suất thấp cũng không thể khiến họ vay thêm để mở rộng sản xuất. Đó là vì công ty chẳng đủ đất để thế chấp nữa. Ở Trung Quốc, bất động sản là tài sản đảm bảo ưa thích của các ngân hàng. Giám đốc này than thở: “Lãi suất thấp đâu có nghĩa là sẽ giải quyết được các vấn đề nền tảng của người vay. Ví dụ như việc các công ty nhỏ thiếu tài sản đảm bảo, mà ngân hàng thì lại rất hay đòi hỏi việc này”.
Hà Thu (theo CNBC)