Cơ chế hậu kiểm là một trong những giải pháp được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.
Ở giai đoạn 2013 đến tháng 9/2017, thông thường hàng hóa nhập khẩu đi qua các khâu đăng ký kiểm tra chất lượng và có thông báo kết luận hàng đủ tiêu chuẩn để nhập hay không, mất khoảng 5,23 - 10,42 ngày.
Sau đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư số 07/2017 (có hiệu lực từ 1/10) các mặt hàng mũ bảo hiểm, thiết bị điện, điện tử, đồ chơi trẻ em, thép cốt bê tông... chuyển sang kiểm tra sau khi nhập (hậu kiểm).
Áp cơ chế này, thời gian từ khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành đến khi xác nhận để thông quan chỉ còn một ngày.
Nếu tiền kiểm, doanh nghiệp phải chứng minh sản phẩm hàng hóa phù hợp với tất cả các quy định của pháp luật trước khi lưu thông. Chuyển sang hậu kiểm, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một phần trước, sau đó được thông quan ngay.
Ở cơ chế này doanh nghiệp vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng. Nhà nước sẽ thực hiện việc hậu kiểm và đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Cơ chế này đã áp dụng đối với 24 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan giảm xuống còn 2 nhóm sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra là xăng dầu và khí mỏ hóa lỏng.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ước tính, cải cách này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 600 tỷ đồng/năm (tiền lưu kho, bến bãi, chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa).
Tổ công tác của Thủ tướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh đánh giá Bộ Khoa học đi đầu trong cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm).