Nỗ lực vượt khó trong bình thường mới
Nhiều tháng nay, phòng triển lãm tranh Hoi An Soul Fine Art Gallery (Quảng Nam) phải đóng cửa do ảnh hưởng từ Covid-19. Đây từng là địa điểm chuyên giới thiệu những bức ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia Việt Nam đến công chúng. Để duy trì kinh doanh và đảm bảo đời sống nhân viên, chị Hằng Nguyễn, chủ phòng tranh, đã mở rộng sản xuất thêm các sản phẩm thủ công bằng da như túi xách, ống đựng tranh, cuộn cọ vẽ... Sản phẩm được mở bán trực tuyến, xuất khẩu đến các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, Australia...
Một trường hợp khác là Nông trại Ede (Đắk Lắk) của anh Hoàng Danh Hữu, chuyên sản xuất các sản phẩm cà phê, chocolate từ vùng trồng đạt chuẩn UTZ, cũng buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trước tình trạng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khi các thị trường tiêu thụ chính như TP HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Lạt... đều phong tỏa, giãn cách do dịch, công ty buộc phải đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, tập trung phát triển các kênh bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử.
Nhờ sớm thích nghi, doanh số năm 2021 của nông trại dự kiến có thể đạt mức 80% so với năm 2020. Anh Hữu cho biết đây là con số đáng khích lệ với doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh.
Nông trại Ede và phòng tranh Hoi An Soul Fine Art Gallery là hai trong số nhiều doanh nghiệp sớm chủ động áp dụng phương án khôi phục sản xuất, sẵn sàng tăng quy mô ngay khi nới lỏng các chỉ thị giãn cách. Để sớm phục hồi, họ buộc phải tăng cường chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới, sẵn sàng tăng tốc đạt mục tiêu doanh thu trong những tháng cuối năm 2021.
Sàn thương mại điện tử đồng hành cùng nhà sản xuất Việt
Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước và sự đồng hành của các nhà phân phối, kênh thương mại, sự tin tưởng, ủng hộ của người dùng Việt cũng đóng vai trò quan trọng trên lộ trình phục hồi sau giãn cách. Đây đều là những yếu tố góp phần quyết định thị phần và sự sống còn của sản phẩm "made in Vietnam", đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn do đứt gãy logistic toàn cầu.
Ông Song Injoon, Giám đốc điều hành và nhà sáng lập sàn thương mại điện tử Chus.vn cho biết: "Với tầm nhìn trở thành nơi chia sẻ kho tàng sản phẩm Việt Nam đến thế giới, mang những sản phẩm chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng, Chus.vn đã xây dựng những chính sách đặc biệt để đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước phục hồi, phát triển bền vững trong bình thường mới".
Song song với việc cung cấp tài nguyên cho các mặt hàng nội địa như ưu tiên về vị trí, gian hàng, hỗ trợ marketing, truyền thông... vị CEO tiết lộ Chus.vn còn chú trọng việc kiểm định kỹ càng, chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, nhất là các mặt hàng thủ công, hữu cơ. Điều này sẽ giúp củng cố và gia tăng mức độ yêu thích thương hiệu Việt của người tiêu dùng, cổ vũ họ lựa chọn hàng Việt.
Là sàn thương mại điện tử được thành lập trong giai đoạn giãn cách xã hội cuối năm 2020, Chus.vn chọn cho mình lối đi riêng khi tập trung đầu tư, phát hiện và giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật thủ công, tiêu dùng xanh giá trị và chất lượng. Đại diện Chus.vn cho biết các sản phẩm trên sàn đều được tuyển chọn, kiểm định kỹ càng, chi tiết để đảm bảo sự chính xác, minh bạch trong mô tả về chất lượng, hình ảnh, nguồn gốc, thành phần... của món hàng.
"Mỗi sản phẩm trên Chus đều là niềm tự hào mà đội ngũ vận hành tự tin giới thiệu đến gia đình, bạn bè và đối tác. Cùng với đó là nỗ lực không ngừng để hoàn thiện sản phẩm, đặt trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm phát triển. Chus đang từng bước phấn đấu, hoàn thiện mục tiêu trở thành địa chỉ đáng tin cậy của những người yêu thích sống xanh, yêu thích hàng Việt", đại diện Chus.vn chia sẻ.
Kim Anh