Taxi cam kết giảm cước kiểu nhỏ giọt. Sữa vẫn rục rịch tăng giá theo nhiều cách khác nhau. Các loại thực phẩm, gia vị, đồ uống chưa kịp giảm giá theo xăng đã vội đòi tăng cao do Tết Nguyên đán sắp tới. Xem ra, việc giá xăng dầu liên tục điều chỉnh trong thời gian qua chỉ là muối bỏ bể và người tiêu dùng có được sử dụng các sản phẩm giá rẻ hay không chỉ còn cách chờ "lòng hảo tâm" của người bán.
Tại chợ Quảng Bá, Hà Nội, mỗi kg thịt bò thăn vẫn được chào bán với giá 130.000 đồng, đắt hơn 5.000 đồng so với cách đây một tháng. Bò bắp giá 120.000 đồng, các loại bò loại ba giá phổ biến từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Thịt gà ta cũng bị đội thêm 5.000 đồng và được chào bán với giá 90.000 đồng một kg. Các loại đồ hải sản, thịt lợn cũng được thông báo sẽ tăng ít nhất 5.000-10.000 đồng mỗi cân trong thời gian tới.
Giá các mặt hàng thực phẩm đang nhích lên. Ảnh: Hoàng Hà. |
Anh Sinh - chủ cửa hàng kinh doanh thịt bò chợ Quảng Bá, Hà Nội lý giải, hiện nay nguồn hàng đang khan do các nơi gom để phục vụ mùa cưới, vì thế giá các mặt hàng thịt bị đội lên khoảng 5% so với trước. Thời điểm giáp Tết cận kề, anh Sinh nhận định giá các mặt hàng thực phẩm sẽ còn tăng cao.
Tại chợ Đoàn Thị Điểm, Thái Hà, Nam Đồng hay Định Công, Hà Nội mấy ngày qua, các bà nội trợ vẫn phải mua các loại thực phẩm khô như măng, miến, dầu ăn, nấm hương với giá cao. Giá các mặt hàng khác như mì chính, tương ớt, dấm ăn, nước mắm... so với thời điểm cuối tháng 7 khi giá xăng đứng ở mức 19.000 đồng một lít hầu như không thay đổi, thậm chí, một số sản phẩm còn thông báo tăng. Tại chợ Thái Hà, một gói bột ngọt Vedan giá 19.000 đồng, tăng 3.000 đồng so với tháng trước. Bột ngọt Ajinomoto giá 21.000 đồng, tăng 3.000 đồng một gói. Tương ớt Trung Thành giá 8.000 đồng, tăng 2.000 đồng. Dấm ăn tăng 500 đồng đồng một chai, lên 8.000 đồng...
Giống như mọi năm, rau, quả, củ vẫn là các nhóm mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Tại chợ Nam Đồng, mỗi mớ rau muống được bán với giá 5.000-7.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với tháng trước. Bắp cải giá 14.000 đồng, tăng 2.000 đồng, su hào giá 5.000 đồng một củ. Các loại rau khác như cải xanh, cải ngọt, cải cúc, cần tây, rau thơm cũng tăng khoảng 500-1.500 đồng một kg, tùy loại. Các mặt hàng khác như rượu, bia, nước giải khát cũng được dự báo cũng sẽ tăng trong ít nhất 5% trong những ngày giáp Tết.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhắc lại câu nói cũ rằng không có cây đũa thần giải quyết vấn đề giá cả mà cần các biện pháp đồng bộ, nhất là từ khâu sản xuất đến lưu thông… Ông Phú cho rằng việc phân phối qua các khâu trung gian khiến cho chi phí phát sinh nhiều, góp phần đẩy giá cả tăng theo. Nếu một kg thịt sản xuất ở Nam Định được chuyển thẳng về Hà Nội mà không thông qua ba, bốn khâu trung gian thì giá bán sẽ giảm hơn rất nhiều.
Tổng mức luân chuyển hàng hóa bán lẻ của VN hiện tăng khoảng 20-25% mỗi năm, với 9.000 chợ, 200 siêu thị và trung tâm thương mại, hàng vạn cửa hàng và hơn 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, chưa kể các điểm buôn bán khác. Theo ông Phúc, kiểm soát khâu lưu thông, giá cả hàng hóa tại những nơi này không mấy dễ dàng.
Nhận xét về việc giá nhiều mặt hàng thực phẩm, đồ uống vẫn đứng ở mức cao, bất chấp chi phí nhiên liệu đầu vào liên tục hạ nhiệt, tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giá cả, Bộ Tài chính thì cho rằng: "Có vẻ như doanh nghiệp và người bán hàng VN ít có tư duy giảm giá".
Ông Ánh cho rằng lâu nay vẫn tồn tại trong doanh nghiệp một lối tư duy tăng giá, các đợt giảm giá một số mặt hàng thời gian qua hầu hết là do sức ép bên ngoài, chứ không phải do chính doanh nghiệp chủ động thực hiện. Theo ông, phần lớn các văn bản quản lý giá của Nhà nước cũng chỉ lường tới các vấn đề bình ổn giá, giữ giá chứ ít khi tính tới kịch bản giá sẽ giảm.
"Làm việc với doanh nghiệp thời gian qua, tôi thấy có hiện tượng khi lạm phát, giá tăng họ kêu toáng lên tôi đang lỗ đây để tăng giá bán. Đến khi giá đầu vào giảm, họ cũng kêu toáng là không giảm giá bán vì lỗ... Cuối cùng đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng", ông Ánh nói.
Theo ông, để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, doanh nghiệp phải nhìn nhận được mức giá họ bán đang rất cao nếu so sánh với mức thu nhập của người dân. Đó là chưa tính tới việc thị trường đã mở cửa, nhiều sản phẩm nước ngoài tràn vào VN với giá thấp hơn. Do đó, để tồn tại, tiếp tục quay vòng sản xuất, doanh nghiệp phải nghĩ cách giải phóng hàng, kích thích tiêu dùng bằng cách đơn giản nhất giảm giá, bớt lợi nhuận. "Kinh doanh là phải tính toán, “cắt lỗ” như vậy. Không thể đòi lúc nào cũng lãi cả", ông Ánh nhấn mạnh.
Phương Anh