Khi còn học đại học, Keiko Awaya không được phép học tiếng Anh bởi khi đó đang xảy ra chiến tranh giữa Nhật Bản và Mỹ. Giờ đây, mặc dù đã bước sang tuổi 85, bà sẵn sàng sử dụng số tiền đã tiết kiệm được để hoàn thành ước nguyện chưa thực hiện được trong nhiều thập kỷ: đi học tiếng Anh.
“Ở độ tuổi của tôi, chi một số tiền lớn như vậy là lựa chọn xác đáng bởi tôi không còn nhiều thời gian nữa,” bà Awaya cho biết. Bà đã bỏ ra tổng cộng 2,6 triệu yên Nhật (tương đương 32.000 USD) cho 2 khóa học tiếng Anh được cung cấp bởi trung tâm ngoại ngữ Ikiiki. Mỗi khóa học kéo dài 2 tháng và bà sẽ theo học ở 2 thành phố của Anh và Mỹ. Để đảm bảo sức khỏe cho các chuyến đi, bà Awaya dành ra 2 buổi/tuần tại phòng tập để rèn luyện thể lực.
Bà Awaya nằm trong làn sóng đổ tiền tiết kiệm đi học tiếng Anh của tầng lớp người già ở Nhật Bản và đây cũng chính là nhân tố trợ giúp nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc.
Với xu hướng này, khoảng 900 nghìn tỷ yên nằm trong các tài khoản tiết kiệm của những người Nhật Bản trên 60 tuổi bắt đầu được "khai phá". Với các dịch vụ phục vụ người già nở rộ, thị trường việc làm không bị ảnh hưởng nhiều kể cả khi ngành sản xuất đi xuống.
Theo Nobuhiro Maeda, chuyên gia lão khoa tại Viện nghiên cứu NLI, giành được thị phần ở thị trường các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người già là chìa khóa giúp các công ty Nhật Bản sống sót. Có thể nói đây chính là cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản.
Do đã trải qua thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc trước khi bong bóng tài sản đổ vỡ, người già Nhật Bản là thế hệ ưa thích chi tiêu. Đây là đặc điểm mà thế hệ những người trẻ tuổi không có được bởi họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi giảm phát.
Chi tiêu tiêu dùng của những người Nhật Bản hơn 60 tuổi đã lên tới 101,2 nghìn tỷ yên vào năm ngoái, tăng 26,5% kể từ năm 2002. Cùng trong khoảng thời gian đó, nền kinh tế lại suy giảm 6,2%.
Những con số trên góp phần khẳng định tầm quan trọng của nhu cầu nội địa. Tiêu dùng cá nhân chiếm tới 60,6% GDP trong năm tài khóa vừa qua. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1994. Với 7 triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số “baby boomers” sẽ bắt đầu nghỉ hưu vào năm nay, cùng với 1/3 dân số sẽ bước qua tuổi 65 vào năm 2030, cơ hội dành cho các công ty cung cấp dịch vụ phục vụ người già là rất lớn.
Nguồn lực này cũng giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của việc nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới không còn hướng về sản xuất. Do đồng yên tăng giá, các công ty Nhật Bản, từ Nissan cho đến Panasonic đều chuyển sang hoạt động ở nước ngoài. Đồng yên Nhật đã tăng giá tới 44% so với đồng USD trong 5 năm qua.
Trong 1 thập kỷ vừa qua, số lượng việc làm của riêng ngành y tế và dịch vụ dưỡng lão đã tăng thêm 2,5 triệu, lên mức 7,1 triệu việc làm. Trong khi đó, ngành sản xuất cắt giảm 1,5 triệu việc làm. Ngành dịch vụ đã giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp ngay cả khi nền kinh tế trì trệ. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng 6 là 4,3%, thấp hơn mức trung bình 4,6% trong thập kỷ qua.
Theo báo cáo được Ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố ngày 18/6 vừa qua, tiêu dùng của người già ngày càng đóng vai trò quan trọng và xu hướng này sẽ được tiếp tục. Nhìn chung, tiêu dùng của nền kinh tế vẫn tăng lên bất chấp thu nhập của các hộ gia đình không tăng.
Tuy nhiên, Nhật Bản cũng gặp phải 1 số rắc rối với xu hướng này. Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người từ 15 đến 24 tuổi vẫn lên đến 7,4% trong tháng 6. Nhu cầu lao động trong ngành này là rất lớn, nhưng người lao động trẻ tuổi lại chưa có được các kỹ năng cần thiết.
Thêm vào đó, theo Takashi Unayama, giáo sư tại Đại học Kobe, tăng trưởng của ngành này còn phụ thuộc rất lớn vào chính sách của Chính phủ. Theo chiến lược phát triển được công bố hôm 11/7, Chính phủ của Thủ tướng Yoshihiko Noda đã đặt mục tiêu tạo ra 2,8 triệu việc làm trong ngành này.
Các công ty Nhật Bản cần được định vị tốt hơn nếu muốn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thậm chí, họ có thể xuất khẩu các kỹ năng chăm sóc người già ra nước ngoài. Được thành lập bởi doanh nhân 25 tuổi Shuhei Morofuji, SMS hiện đang cung cấp dịch vụ nguồn nhân lực cho các công ty chăm sóc người già. Cổ phiếu của SMS đã tăng gấp đôi so với khi mới niêm yết trên sàn Tokyo hồi tháng 12 năm ngoái. Công ty cũng đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.
Trong khi đó, JTB, công ty du lịch lớn nhất Nhật Bản, đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ doanh thu từ các gói dịch vụ cho người từ 60 tuổi trở lên từ 10% lên 15. Ngoài việc chú ý đến các khóa học, JTB còn lưu ý khách sạn bỏ bớt muối trong các món ăn và phụ xe bus dành 2 ghế cho mỗi người già để đảm bảo tiện lợi.
Thêm vào đó, không phải mọi thứ đều thuận lợi bởi người già cũng có những đặc tính riêng và phải chuẩn bị tốt hơn để phục vụ họ. Theo Ryuta Iida, trợ lý giám đốc tại JTB, biết được người già thực sự muốn gì không phải là điều dễ dàng.
Giải cứu EU bằng các bài học Nhật Bản
Thị trấn Nhật Bản có giá 1,5 USD mỗi m2
(TTVN)