Mỗi lần bơm xăng, tài xế taxi không khỏi buồn rầu. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Phan Sĩ Thân, Giám đốc Xí nghiệp xe khách nam Hà Nội, cho biết, với việc tăng giá xăng dầu lần này, ngành tài chính đã đặt đơn vị này vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, khi mỗi tháng phải tốn thêm khoảng 100 triệu đồng cho 300 đầu xe, còn thị trường thì ngày một thu nhỏ.
"Đơn cử, giá vé xe chạy tuyến Hà Nội - Sài Gòn là 185.000 đồng/1.750 km, tính trung bình khoảng 100 đồng/km. Mức giá này doanh nghiệp đã duy trì từ năm 1992 (khi đó xăng, dầu chỉ có giá lần lượt là 2.200 và 1.800 đồng). Do cạnh tranh, chúng tôi vẫn chưa thể điều chỉnh được. Với việc giá xăng dầu tăng gần 7% từ ngày 22/2 thì lỗ là điều chắc chắn", ông Thân bức xúc.
Để đối phó với những khó khăn trên, các doanh nghiệp vận tải cho biết, đang tìm cách tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quản lý, nhiên liệu, tiền lương... "Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ có giới hạn. Chẳng hạn như khó có thể tiếp tục cắt giảm tiền lương nhân viên khi mà giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ đều đang leo thang. Theo chúng tôi, Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong những lúc khó khăn này như giảm thuế giá trị gia tăng đầu ra từ 5% xuống 2-3%", ông Thân đề xuất.
Việc tăng giá xăng dầu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều nhiên liệu, vì họ không dễ tăng giá đầu ra. Ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, giá cước sắp tới có thể tăng 10%, lên thành 6.600 đồng/km đầu tiên. Tuy nhiên, họ vẫn đang lưỡng lự trước hai lựa chọn đầy khó khăn: Giữ giá để duy trì lượng khách, hay tăng giá tránh lỗ và chấp nhận mất khách. Đặc biệt, việc giá xe ôtô tăng (do thực thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 1/1/) đang gây sức ép lớn cho doanh nghiệp vận tải.
Theo ông Bình, để có lãi, rất có thể nhiều đơn vị sẽ phải co kéo nhiều chỗ chẳng hạn kéo dài vòng đời của xe, chất lượng phục vụ kém... điều này sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. "Để giảm bớt khó khăn, các doanh nghiệp đang đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô dùng làm taxi, giảm thuế doanh thu cho các doanh nghiệp", ông Bình nói.
Hiện nay, các hãng taxi ở Hà Nội như 52, Airport taxi thay vì tăng giá, họ kêu gọi nhân viên san sẻ bớt khó khăn với hãng bằng cách nhận 80% bù giá xăng...
Theo ông Nguyễn Võ Liễu, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nhiên liệu chiếm đến 30-40% tổng chi phí khiến doanh nghiệp trong ngành rơi vào thế bị động. "Để hoạt động tốt hơn, các doanh nghiệp vận tải chắc chắn phải tổ chức lại hoạt động, nâng công suất khai thác xe... Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chẳng hạn, đối với loại xe chở khách, khi đã đăng ký vào tuyến thì phải chạy đúng giờ, nếu không có khách vẫn phải đi nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh", ông Liễu nói.
Cũng như doanh nghiệp vận tải, các công ty sản xuất nhựa đang lâm vào tình thế khó khăn. Theo ông Nguyễn Đăng Cường, Chủ tịch Hiệp hội nhựa VN, giá xăng dầu tăng đã gây ra những tác động không nhỏ. "Hiện chúng tôi chưa thống kê được mức độ tổn hại của ngành nhựa khi giá xăng dầu tăng, nhưng hầu hết các công ty trong ngành đã bắt đầu tính đến việc giảm công suất làm việc", ông Cường nói với VnExpress.
Tuần qua, nhiều doanh nghiệp nhựa đã kiến nghị hiệp hội tìm giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về chi phí vận chuyển. "Trong khi cơn sốt nhựa vẫn đang leo thang chưa có giải pháp nào khả thi để bình ổn thì ngành xăng dầu lại chọn đúng thời điểm này để tăng giá. Rõ ràng, tăng giá xăng dầu vào thời điểm này là đặt các ngành sắt thép, xi măng, nhựa... vào thế bí", ông Cường thêm vào.
"Nếu các nhà máy nhựa giảm công suất xuống chắc chắn giá các sản phẩm bán ra thị trường sẽ tiếp tục tăng. Xăng, dầu tăng giá vì thế đã gián tiếp tạo thêm một cái cớ để các đại lý niêm yết giá bán mới trên thị trường", ông Cường lo ngại.
Đối với ngành thép, sau cơn sốt giá, nay các doanh nghiệp lại lâm cảnh túng quẫn hơn. "Chưa bao giờ ngành thép lại gặp khốn đốn như hiện nay. Giá phôi thép nhập khẩu lên quá cao, rồi đến nhiên liệu là xăng dầu tăng giá làm chi phí giá thành lên đến mức kỷ lục", ông Phạm Chí Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép (VNSA) nhận xét. Khó khăn lớn nhất cho các doanh nghiệp hiện nay là vấn đề chi phí vận chuyển. "Tôi cho rằng giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, công suất làm việc mà còn là cái cớ để các doanh nghiệp tăng giá bán các sản phẩm ra thị trường", ông Cường nói.
Hiện tại kế hoạch vận chuyển thép thành phẩm từ Nam ra Bắc đã bị phá sản hoàn toàn. Ngoài các nguyên nhân do giá thép ở cả 2 miền đã gần bằng nhau và nhu cầu thép ở phía Nam tăng cao còn do giá xăng dầu tăng. "Giá xăng tăng, khiến cho chi phí vận chuyển tăng, do vậy nếu chúng tôi vẫn tiếp tục vận chuyển thép từ Nam ra Bắc là chịu chấp nhận lỗ", ông Mai Văn Tinh, Phó Tổng giám đốc công ty thép VN cho biết.
Nhóm phóng viên