Thời gian gần đây, nợ xấu trở thành mối quan tâm trong ngành ngân hàng. Tại một số thời điểm, các ngành nghề đều có những yếu tố tương quan để nhà đầu tư có thể căn cứ vào đó đánh giá cổ phiếu, doanh nghiệp.
Có thể kể thêm một số "cặp phạm trù" giữa các ngành trên sàn bao gồm: ngành vật liệu xây dựng với hàng tồn kho, công ty bất động sản với nợ, ngành cao su với giá dầu mỏ. Khi doanh nghiệp thép trữ nhiều hàng tồn kho mà sau đó giá giảm, nguy cơ thua lỗ sẽ hiển hiện. Cũng như vậy, nếu giá dầu mỏ tăng, giá cao su thiên nhiên cũng sẽ tăng và các công ty cao su được hưởng lợi. Đối với các nhà đầu tư thông thường, việc hạn chế về nguồn thông tin cũng như cách thức tiếp cận, phân tích nên các "cặp phạm trù" vừa nêu lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Dựa vào đây, các đội làm giá cũng như các chủ doanh nghiệp cũng có thể "tung chiêu" để đánh lừa các nhà đầu tư. Cũng vì vậy mà một loạt các hạn chế, rủi ro xuất hiện.
"Mập mờ" tự hại mình
Lấy ví dụ ngành ngân hàng, những khác biệt về số liệu nợ xấu trong ngành, và trong từng ngân hàng, qua các thời kỳ, rõ ràng đã tạo tâm lý lo ngại, thậm chí phòng thủ cho nhà đầu tư khi tiếp cận thông tin. Nợ xấu của các ngân hàng là khác nhau, nhưng sự lo ngại có thể bao phủ tất cả. Không cần phải có những suy nghĩ tiêu cực, mà chỉ cần bán tín bán nghi thôi thì lập tức nhà đầu tư có thể chuyển thành thế phòng thủ, tạo ra những tác động không tích cực cho thị trường.
Thí dụ: cổ phiếu của một ngân hàng nào đó đã tiến hành phân loại, trích lập dự phòng nợ xấu đầy đủ, lý ra trong thời điểm thị trường không thuận lợi, giá rẻ, là cơ hội để mua vào. Nhưng nếu nhiều nhà đầu tư có tâm lý lo ngại "không biết đã trích lập đầy đủ hay chưa" hoặc "ngành ngân hàng còn khó khăn lắm" thì sẽ chẳng ai mạnh dạn mua vào, hoặc nếu đã mua thì chỉ cần đôi chút biến động là lập tức xả hàng tháo chạy.
Vấn đề ở đây là không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng làm rõ vấn đề nợ xấu của mình. Thực chất, nhà đầu tư cá nhân cũng không muốn soi quá sâu vào vấn đề, nhưng chỉ cần nhìn cách thức chia sẻ thông tin của doanh nghiệp, họ cũng quyết định được có nên tin tưởng hay không. Mặt khác, khi các ngân hàng làm rõ vấn đề nợ xấu, sẽ trực tiếp tác động đến giá trị ngân hàng, nhờ vậy thị trường mà cụ thể là các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư lớn có thể định giá cổ phiếu một cách nhanh chóng để tạo ra một mặt bằng giá mới ổn định hơn.
Một sự "mù mờ" tương tự cũng diễn ra ở ngành mía đường với các thông tin lẫn lộn như lượng tồn kho lớn, nhưng giá bán lại vẫn cao, giá trong nước cao hơn giá thế giới… Để giải quyết vấn đề này không hề khó, chỉ cần các doanh nghiệp trong ngành mía đường công khai sản lượng tồn kho của mình trong cùng thời điểm, thậm chí công khai chi phí. Nhưng thực tế cho đến thời điểm này, những gì các doanh nghiệp mía đường công bố chỉ là giá trị tồn kho còn sản lượng thì vẫn mù mờ.
Rốt cuộc, khi giá đường tăng, nhà đầu tư cũng không biết doanh nghiệp trữ tồn kho nhiều hay ít, giá vốn bao nhiêu, mua vào ở thời điểm nào. Lúc này sẽ phải có những "mồi lửa" là các tin đồn được tung ra, nào là doanh nghiệp A tồn kho lớn, doanh nghiệp B mua vào nguyên liệu giá rẻ rất thiếu chính xác.
Giấu giếm dễ bị lợi dụng
Ngành thép cũng được nhà đầu tư quan tâm về số liệu tồn kho cũng như lượng tiêu thụ và có "khá" hơn ngành đường ở một số điểm. Một số doanh nghiệp tôn-thép đã chủ động công bố lượng tồn kho, tiêu thụ trong một số thời điểm. Nhưng vấn đề là việc tự giác công bố thông tin chỉ xuất hiện ở những doanh nghiệp niêm yết có kết quả kinh doanh tương đối tốt, còn lại vẫn khá khép kín.
Trường hợp của ngành cao su thiên nhiên còn đơn giản hơn nữa. Thông thường vào đầu năm, các doanh nghiệp ngành này đã có thể dự báo được lượng tiêu thụ thường chốt trước với đối tác về khối lượng, bên cạnh đó cũng sẽ dự báo một mức giá bán trung bình. Như vậy, khi giá biến động, thì chỉ cần căn cứ vào độ chênh lệch giữa giá thị trường và giá bán dự báo ban đầu, đã có thể tính ra được phần thu nhập chênh lệch là bao nhiêu. Nhưng thường các thông tin này không được công bố rộng rãi ra bên ngoài cho cổ đông.
Một số công ty chứng khoán bằng cách gặp gỡ các doanh nghiệp cao su cũng tiếp cận được phần nào các nguồn thông tin và phản ánh trên báo cáo phân tích của mình. Nhưng với cách thức này có thể tạo ra sự bất cân xứng về thông tin. Rốt cuộc, nhà đầu tư mua vào cổ phiếu cao su khi biết giá thế giới tăng, nhưng tăng bao nhiêu, và mỗi doanh nghiệp lãi thế nào thì lại không rõ và cũng không thể tính toán xem cổ phiếu tăng như thế nào là hợp lý. Những kịch bản kiểu như: Một nhóm nhà đầu tư nào đó, lấy được thông tin, mua vào rồi đẩy giá lên sau đó mới tung tin ra bên ngoài rất dễ xuất hiện.
Nếu doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin về các mối tương quan trong ngành nghề của mình thì nhà đầu tư sẽ có một hàn thử biểu để dễ dàng đánh giá. Nhưng trong trường hợp giấu diếm, doanh nghiệp không chỉ hại các nhà đầu tư mà còn có thể hại cả chính mình. Chẳng hạn, doanh nghiệp thép không còn tồn kho, khi giá xuống không bị ảnh hưởng, nhưng do bên ngoài không nắm rõ, thấy giá thép xuống cũng lập tức đem cổ phiếu ra xả hàng, khiến giá trị vốn hóa doanh nghiệp bị giảm. Đó là những điều không nên có.
Theo Thời báo kinh doanh