Tại tọa đàm "Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và thách thức" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 3/5, nhiều doanh nghiệp bưu chính đã bày tỏ khó khăn hiện nay. Ông Lương Ngọc Hải, Tổng giám đốc Viettel Post nêu vướng mắc gần đây nhất khi giá xăng tăng liên tiếp nhưng cước bưu chính vẫn "giậm chân tại chỗ".
![]() |
Nhiều doanh nghiệp bưu chính than khó tại tọa đàm "Mở cửa thị trường bưu chính: Cơ hội và Thách thức". Ảnh: Xuân Ngọc |
Cụ thể, ngay khi chi phí nhiên liệu đắt lên, cước vận tải đều đồng loạt tăng, nhưng những đơn vị bưu chính vẫn phải "nhìn nhau" và mãi đến cả tháng sau mới có thể điều chỉnh giá. Theo ông Hải, trong thời gian đó, các công ty bưu chính đều phải dùng mọi biện pháp thắt chặt chi phí để giảm lỗ.
Tổng giám đốc VNPost, ông Đỗ Ngọc Bình còn chỉ ra nhiều thách thức khác của thị trường bưu chính hiện nay. Đó là nhân lực cho lĩnh vực này hiện nay được đào tạo quá ít, trong khi các trường, các ngành đều chỉ chú trọng đến viễn thông. Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bưu chính trong tương lai.
Thêm đó, việc phải đối mặt, cạnh tranh với 4 công ty truyền phát lớn là FedEx, UPS (Mỹ), TNT (Hà Lan) và DHL (Đức) khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn cũng là sức ép rất lớn. Bởi đó đều là những tập đoàn xuyên quốc gia và thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Hiện Việt Nam có quan hệ chuyển phát với 200 quốc gia song nhiều điểm vẫn phải qua hợp tác với những "gã khổng lồ" trên. Thêm đó, thay vì hợp tác với các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát trong nước theo hình thức đại lý như trước đây thì từ năm 2010, những đơn vị này đã mở rộng quy mô đầu tư, tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất của bưu chính hiện nay là việc thu hẹp thị phần và dịch vụ. Bởi thông tin, tài liệu, thư tín đều được số hóa nhờ viễn thông, Internet phát triển; tiền tệ được giao dịch qua hệ thống ngân hàng, điện tử, duy chỉ có hàng hóa là vẫn nhờ đến "bàn tay" của bưu chính.
Ông Đỗ Ngọc Bình cung cấp, theo số liệu từ Sách trắng của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu các năm 2008, 2009 và 2010 của bưu chính lần lượt là 7.000 tỷ, 8.100 tỷ và 9.100 tỷ đồng. Nhưng đằng sau tốc độ tăng trưởng 17-18% mỗi năm đó, tỷ trọng doanh thu thuần dịch vụ bưu chính chỉ chiếm 44% trong các doanh nghiệp bưu chính do có sự chồng lấn giữa vận tải, hàng hóa...
![]() |
Ông Lương Ngọc Hải, Tổng giám đốc Viettel Post đề xuất lập hiệp hội bưu chính. Ảnh: Xuân Ngọc |
Trước hàng loạt khó khăn đó, ông Lương Ngọc Hải, Tổng giám đốc Viettel Post đề xuất thành lập hiệp hội bưu chính. Điều này nhằm hợp tác sử dụng chung hạ tầng, tiết giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ cũng như ban hàng điều lệ chung, quy định giá sàn, tránh tình trạng công ty "chui" phá giá mà không đảm bảo chất lượng... Lãnh đạo Viettel Post đưa ví dụ cụ thể, mỗi tháng đơn vị này tốn hơn 2 tỷ đồng tiền xăng dầu, nhưng nếu hợp tác với doanh nghiệp khác, chia cung đường hoạt động, hiệu suất có thể tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, Chánh văn phòng công tác hiệp hội của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, để thành lập hiệp hội cần ít nhất từ 6 tháng đến một năm. Điều lệ đề ra cũng cần được Bộ Nội Vụ phê chuẩn. Theo đó, ông Đinh Vĩnh Cường, đại diện công ty CP-TM Giao nhận Ba Sáu Năm đề xuất, trước mắt cần lập các diễn đàn, forum để doanh nghiệp viễn thông chia sẻ thông tin, hỗ trợ hợp tác... Còn ông Đỗ Ngọc Bình, lãnh đạo VN Post cho rằng, để giải quyết khó khăn, những công ty trong lĩnh vực bưu chính có thể "lấn sân" sang những mảng gần gũi với mình, tham gia chuỗi giá trị gia tăng như giao thương điện tử.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ tưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho hay, Bộ ủng hộ việc thành lập Hiệp hội song muốn thành công, trước hết, doanh nghiệp phải bàn đến những mất mát. "Lợi thì chắc chắn có rồi nhưng thị phần, thông tin sẽ phải chia sẻ khi không còn tự do nên các đơn vị cần tính kỹ", ông nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này đồng tình với quan điểm cho rằng doanh nghiệp bưu chính hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng, trong thị trường anh em là viễn thông, đơn vị nào cũng được xem là đại gia thì ở lĩnh vực bưu chính, đơn vị lớn cũng chỉ có thể được gọi là bậc trung.
Tính đến thời điểm hiện nay, trong lĩnh vực bưu chính có 44 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư, 43 doanh nghiệp được xác nhận hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát và nhiều đơn vị hoạt động "chui" không qua đăng ký. Ngày 11/1 vừa qua, thị trường chuyển phát Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn, cho phép các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia kinh doanh theo cam kết ra nhập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Xuân Ngọc