Xuân Thùy đang làm việc tại một cơ quan truyền thông ở TP HCM. Chị đang mang bầu lần hai, còn cô con gái đầu tên Hà Linh năm nay bắt đầu vào lớp 1. Ngay sau Tết, Thùy đã hăm hở bắt tay vào công cuộc chuẩn bị cho "sự nghiệp học hành" của con như chọn trường, cô giáo, tìm các mối quan hệ gửi gắm...
Trẻ 6 tuổi chờ đến lượt khảo sát vào lớp một tiếng Anh tăng cường tại tiểu học Hòa Bình, quận I, TP HCM. Ảnh: Nhật Minh. |
Cách đây mấy ngày, dù sắp đến ngày sinh, chị vẫn chạy ngược chạy xuôi đưa bé Hà Linh đi khảo sát vào lớp tăng cường tiếng Anh của tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1.
Hôm đưa con đi khảo sát về, Thùy hồi hộp vì hầu hết các bé khác có đi luyện thi, còn con gái chị thì không, do trùng lịch học tiếng Anh tại một trường quốc tế khác. "Bây giờ, việc gì cũng cần tiếng Anh nên vợ chồng tôi quyết tâm cho Linh học tăng cường ngoại ngữ ngay từ nhỏ. Giờ Hà Linh đã đỗ, thế là xong một việc lớn, tôi có thể yên tâm chờ ngày ở cữ được rồi", chị Thùy nói với vẻ mặt hân hoan.
Trường hợp các phụ huynh tại TP HCM đổ xô cho con đi khảo sát vào các lớp tăng cường ngoại ngữ như chị Thùy không cá biệt. Cùng chung lý do với vợ chồng Xuân Thùy về tầm quan trọng của tiếng Anh trong xã hội, Hiệu trường một mầm non tư thục tại quận Tân Bình Nguyễn Thị Hòa cũng đăng ký cho con gái vào lớp một tăng cường tiếng Anh tiểu học Trần Quốc Toản, với mong muốn "con được ngoại ngữ bài bản" ngay từ vỡ lòng.
Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress.net, chị Thanh Hải, kế toán trưởng một công ty lớn kinh doanh sơn chống thấm, quận Tân Bình cho biết, thực tế vợ chồng chị không hề nắm được thông tin gì về lớp tăng cường tiếng Pháp như số tiết, chất lượng dạy... nhưng vẫn đăng ký cho con. "Lớp tăng cường chắc chắn là phải hơn lớp thường rồi. Nếu không đỗ thì lại học lớp thường", chị Hải nói.
Còn vợ chồng Thu Hiền, do thời phổ thông vốn là học sinh trường chuyên nổi tiếng của một tỉnh phía Bắc ngay từ tiểu học, nên chuyện con họ phải học trường chuyên lớp chọn được tồn tại như một điều rất tự nhiên.
Hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, không có điều kiện cho con học các trường quốc tế như mong ước, nên lớp tăng cường ngoại ngữ trở thành đích ngắm của vợ chồng Hiền. Ngày bé Bi đi khảo sát, hai vợ chồng cùng xin nghỉ làm, rồi cùng hồi hộp chờ đợi đến tận ngày nhận được thông báo con trúng tuyển mới hết căng thẳng.
Trong khi các ông bố, bà mẹ có con đi khảo sát tăng cường ngoại ngữ đều căng thẳng thì hầu hết các thí sinh nhí tỏ ra hồn nhiên và coi chuyện ngày khảo sát như một lần được đi chơi.
Ở mầm non 20/10, quận 1, vài ngày trước kỳ khảo sát, nhiều học sinh chuẩn bị vào lớp một, rộn rã thông báo "ngày mốt tớ đi thi vào lớp tăng cường ngoại ngữ". Những bé vô tình được khảo sát cùng một hội đồng thì hồ hởi hẹn hò nhau ngày gặp mặt.
Còn tại Hội đồng tiểu học Hòa Bình, quận 1, cách đây vài ngày, gần 500 thí sinh "đại học chữ to" khảo sát tăng cường tiếng Anh vào các trường Hòa Bình, Nguyễn Huệ, Lê Ngọc Hân nô nức theo chân bố mẹ tới ứng thí. Do thí sinh đông, hội đồng này phải khảo sát làm hai ca, nên không ít thí sinh nhí vừa ăn sáng, uống sữa, vừa tranh thủ sáp lại làm quen với nhau trong lúc chờ đợi.
Còn các bé đã khảo sát xong, thì tíu tít khoe với bố mẹ những thành tích vừa đạt được trong cuộc khảo sát. Đơn cử như Hà Linh, vừa bước ra khỏi phòng khảo sát khoe ngay mẹ Xuân Thùy "con trả lời tốt lắm nên được cô thưởng cho bông hoa mai dán lên ngực áo". Tâm trạng phấn chấn của Linh kéo dài tới cả buổi tối, khiến cô bé hứng chí lôi bút màu và giấy ra vẽ lại cảnh hội đồng thi
"Thật ra đó chỉ là bông mai giấy các cô dán lên để phân biệt những bé đã khảo sát xong, nhưng do không hiểu nên Hà Linh vui và tự hào lắm. Lúc đó dù chưa biết kết quả thế nào nhưng tôi cũng vui lây với sự hồn nhiên của cháu", chị Thùy tâm sự.
Còn bé Nhật Minh, sau khi dự thi xong, mặt buồn xo, vẻ quan trọng thông báo với mẹ "có một câu cô hỏi khó quá, con bó tay luôn", khiến chị Hải phì cười.
Phụ huynh hồi hộp dõi theo các thí sinh nhí đang khảo sát phái trong Hội đồng. Ảnh: Nhật Minh |
Theo ghi nhận của VnExpress.net, hầu hết các thí sinh nhí bước ra khỏi phòng khảo sát ở các hội đồng đều không định hình được mình vừa trải qua một kỳ thi "nho nhỏ".
Có bé thắc mắc, cô giáo yêu cầu khoanh những con sóc giống nhau trên một bức tranh, nhưng mới tìm được 2 con thì cô bảo thôi lật sang câu khác. Có bé ríu rít kể, cô chỉ nói "bây giờ gọi điện đến nhà bạn gấu, con tưởng tượng các bạn nói gi với nhau". Có hội đồng lại yêu cầu các bé tìm chân, tìm đầu thỏ rồi ráp hình lại...
Đơn cử, năm nay, quận 1, có 8 tiểu học tổ chức dạy các lớp tăng cường tiếng Anh Hoà Bình, Lê Ngọc Hân, Đuốc Sống, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ, Lương Thế Vinh, Đinh Tiên Hoàng nhưng số học sinh đăng ký khá cao, có trường chỉ lấy 50% số đăng ký.
Theo trưởng phòng giáo dục tiểu học Lê Ngọc Điệp, đây là năm đầu tiên Sở GD&ĐT TP HCM không tổ chức khảo sát khả năng tiếng Anh tập trung mà giao về cho các quận. Về nguyên tắc, lớp tăng cường tiếng Anh khảo sát các trẻ chưa biết đọc, viết tiếng Anh. Còn cấu trúc đề chỉ là để kiểm tra khả năng tri giác của trẻ như nhận biết hình ảnh, nối hình với bóng, nối các bộ phận hình hoặc vật với nhau, kiểm tra trí nhớ ngắn, tư duy lô gíc, ngôn ngữ sáng tạo, phát âm trong thời gian khoảng 7 phút mỗi em.
Theo ông Điệp, dựa vào đáp án, giám khảo sẽ cho điểm, trường sẽ lấy điểm từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu học sinh không đạt điểm vào lớp tiếng Anh tăng cường (học 8 tiết một tuần) vẫn có thể đăng ký học lớp tiếng Anh tự chọn (2 tiết một tuần) tại trường. Còn các học sinh đã trúng tuyển, nếu kết quả học tập tiếng Anh cuối năm không đạt yêu cầu thì các em sẽ chuyển sang học chương trình tiếng Anh tự chọn.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều đại diện Ban giám hiệu nhiều tiểu học cũng cho rằng do mọi học sinh đều có khả năng học tốt ngoại ngữ nếu có môi trường tốt nên vài năm gần đây phụ huynh đổ xô cho con học tăng cường tiếng Anh. Tuy nhiên, điều kiện trường lớp, giáo viên, phương tiện học tập không đáp ứng đủ nên vẫn duy trì hình thức khảo sát để lựa chọn các học sinh có khả năng trội hơn.
Theo thống kế của phòng giáo dục nhiều quận, mặc dù kỳ khảo sát vào lớp một tăng cường ngoại ngữ dành cho học sinh chưa đi học bao giờ nhưng tỉ lệ "chọi" ở nhiều trường lên đến 6-7 thí sinh chọn một em.
Lan Hương