Ngày 14/5, Nguyễn Hoàng Bảo Châu, học sinh lớp 6 trường Phổ thông liên cấp Olympia, và bốn bạn cùng lớp tham gia Shark Tank quy mô toàn khối 6. Để chuẩn bị cho dự án này, Châu và các bạn trong nhóm có hai tuần lên ý tưởng, dựng mô hình chiếc máy làm bánh macaron, làm slide, viết lời thuyết trình để chia nhau tập luyện.
Suốt cả quá trình, nhóm gặp nhiều khó khăn như phải làm lại mô hình, thay đổi nội dung ngay trước ngày thuyết trình nhằm đảm bảo "kêu gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư". Kết quả, các em được hai nhà đầu tư là hai giáo viên tiếng Anh của trường lựa chọn.
"Dù chỉ là giả định, chúng em rất vui vì đã thuyết phục được thầy cô", Châu nói, tin chắc điểm cuối kỳ môn tiếng Anh sẽ tốt hơn so với việc phải làm bài kiểm tra trên giấy. "Cách kiểm tra này rất thú vị, giúp em học thêm được nhiều từ vựng, ngữ pháp, khả năng diễn đạt. Ngoài ra, em còn biết cách vượt qua khó khăn, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, khả năng sáng tạo và học hỏi được thêm kiến thức về kinh doanh".
Những gì Châu học được cũng là mục tiêu giáo viên đặt ra khi quyết định tổ chức Shark Tank cho học sinh để lấy điểm cuối kỳ (hệ số 3) thay vì bài kiểm tra trên giấy. Thầy Dustin Lloyd, giáo viên tiếng Anh, cho rằng dạy kiến thức gắn liền với thực tế là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh năm học bị ảnh hưởng bởi Covid-19, các em phải ở nhà nhiều.
"Chúng tôi tin dự án báo cáo sản phẩm theo mô hình Shark Tank này là hình thức học tập, đánh giá mang tính thử thách cao, vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình môn học, vừa đưa kiến thức vào thực tiễn và tạo hứng thú học tập cho các em", thầy nói. Giáo viên này cho rằng khi rời trường học, nhiều học sinh sẽ khởi nghiệp và phải mang ý tưởng của mình đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, tương tự những gì các em làm hôm nay.
Không chỉ môn tiếng Anh, giáo viên nhiều môn khác ở trường cũng cho học sinh làm dự án thay vì bài kiểm tra trên giấy. Với lớp 11, học sinh làm dự án "Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?" cho liên môn Ngữ văn - Âm nhạc - Lịch sử - Mỹ thuật.
Ở môn Ngữ văn, học sinh lớp 7 tham gia diễn thuyết theo mô hình TED Talk về "áp lực học tập" hay "học sinh với game online", qua đó giáo viên thấy được khả năng ngôn ngữ, thu thập thông tin, lập luận hay kỹ năng nói trước đám đông của các em. Khối 8 của trường xây dựng vở kịch thiếu niên hùng ca "Chiến tranh và hòa bình".
Dương Hoàng Quỳnh Anh, học sinh lớp 8, cho biết có ba tuần để chuẩn bị vở kịch xoay quanh nhà thơ Tố Hữu và anh hùng Võ Thị Sáu, để nói lên nhiệt huyết của tuổi trẻ. "Trước khi thực hiện vở kịch, em không biết nhiều câu chuyện về chị Võ Thị Sáu. Nhưng bây giờ, em nhớ rất sâu sắc hình ảnh và những câu chuyện về chị", Quỳnh Anh nói.
Suốt ba tuần chuẩn bị với vai trò trưởng ban điều phối, Quỳnh Anh còn học được nhiều kỹ năng như thuyết phục, giải quyết vấn đề, tương tác với các bạn. Dù làm dự án mất thời gian hơn làm bài kiểm tra trên giấy, Quỳnh Anh cho rằng đây là cách để ghi nhớ kiến thức sâu hơn và học hỏi được nhiều hơn.
Việc đa dạng hóa phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích. Theo Thông tư số 26 của Bộ về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, có hiệu lực từ 11/10/2020, kiểm tra, đánh giá thường xuyên có thể thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Kiểm tra giữa và cuối kỳ thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.
Nhiều trường tư thục đã thực hiện đánh giá học sinh thông qua dự án, sản phẩm học tập. Tuy nhiên, cách này chưa phổ biến ở các trường công lập.
Cô Nguyễn Thị Minh Thủy, Trưởng bộ môn Ngữ văn THPT, trường Olympia, cho rằng việc kiểm tra, đánh giá thông qua các dự án khiến giáo viên vất vả hơn vì phải tìm tòi và liên tục nghĩ cách thay đổi hình thức sao cho phù hợp với từng nhóm học sinh hay đề tài.
Tuy nhiên, cách làm này rất phù hợp với định hướng tiên tiến của chương trình mới, đem lại nhiều lợi ích cho học sinh. "Vì vậy dù vất vả hơn, chúng tôi vẫn nỗ lực để học sinh có nhiều nhất cơ hội trải nghiệm và thể hiện mình trên nhiều hình thức, phương pháp học tập và đánh giá khác nhau", cô Thủy nói.
Giáo viên này cũng cho rằng đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ giúp học sinh được theo dõi sát sao tiến trình học tập, sự dịch chuyển và thay đổi năng lực trong từng giai đoạn, nhận được những phản hồi chính xác, kịp thời từ giáo viên thay vì chỉ được đánh giá định kỳ như truyền thống.
Dương Tâm - Thảo Nguyên