Sức khỏe
Thứ bảy, 25/1/2020, 13:27 (GMT+7)

Phòng thí nghiệm ở Vũ Hán bị nghi làm thoát virus nCoV

Phòng thí nghiệm sinh học ở Vũ Hán cách chợ hải sản Huanan 32 km, bị các nhà khoa học nghi làm thoát virus nCoV gây dịch viêm phổi.

Dịch viêm phổi do nCoV xuất hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán, nguồn cơn ban đầu có thể do động vật hoang dã trong chợ hải sản Huanan. Ngoài Trung Quốc, bệnh đã xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore, Nepal, Pháp, Australia, Malaysia và Việt Nam.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng mầm bệnh nguy hiểm có thể thoát ra ngoài từ phòng nghiên cứu thí nghiệm đặt tại phòng an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán (WNBL) được xây dựng từ năm 2015. Ông Tim Trevan, một chuyên gia về an toàn sinh học, cho biết virus SARS từng nhiều lần thoát khỏi một phòng nghiên cứu mầm bệnh tại Bắc Kinh. Ông bày tỏ sự lo lắng khi dịch viêm phổi bùng phát và nghi ngờ có thể do họat động của phòng thí nghiệm này. 

Phòng thí nghiệm an toàn sinh học quốc gia Vũ Hán (WNBL) được xây dựng từ năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động năm 2017 để nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới như SARS, Ebola.
Tổng chi phí xây dựng khoảng 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 44 triệu USD), chịu được động đất mạnh 7 độ richter để đảm bảo an toàn.

Phòng thí nghiệm này là nơi duy nhất tại Trung Quốc để nghiên cứu các loại virus nguy hiểm chết người. Tháng 1/2018, WNBL tiến hành các thí nghiệm về những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới với những tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4). Đây là mức độ cao nhất với những biện pháp phòng ngừa sinh học nghiêm ngặt. Trên thế giới hiện chỉ có khoảng 54 phòng thí nghiệm đạt cấp độ BSL-4. Phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên tại Nhật Bản được xây dựng vào năm 1981.

Phòng thí nghiệm là một phần của sự hợp tác Trung - Pháp trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi, theo thông cáo báo chí. Tháng 10/2004, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác với Pháp về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm mới nổi. 

Với sự hỗ trợ của Pháp trong thiết kế phòng thí nghiệm, thiết lập tiêu chuẩn an toàn sinh học và đào tạo nhân sự, quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2011 và kéo dài trong ba năm. Năm 2015, phòng thí nghiệm được đưa vào hoạt động thử nghiệm.

Đây là trung tâm thu thập mầm bệnh và là phòng thí nghiệm tham khảo của Liên Hợp Quốc về các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, Phòng thí nghiệm cung cấp một hệ thống an toàn sinh học hoàn chỉnh, hàng đầu thế giới. Điều này có nghĩa là các nhà khoa học Trung Quốc có thể nghiên cứu các vi sinh vật gây bệnh nguy hiểm nhất trong phòng thí nghiệm của chính họ.

Dự án đầu tiên của phòng thí nghiệm là nghiên cứu mầm bệnh BSL-3 gây ra bệnh sốt xuất huyết Crimean, Congo. Đây là một loại virus gây chết người. Nó xuất hiện ở vật nuôi trên khắp thế giới, bao gồm cả Tây Bắc Trung Quốc và có thể lây sang người.

Tiêu chí của nó bao gồm các máy lọc không khí, xử lý nước và chất thải trước khi các nhà nghiên cứu rời phòng thí nghiệm. Toàn bộ phòng thí nghiệm đảm bảo trạng thái áp suất âm liên tục. Những người nghiên cứu bắt buộc phải thay quần áo, tắm trước và sau khi sử dụng các thiết bị phòng thí nghiệm. Những bộ quần áo Hazmat này nhằm bảo vệ các nhà khoa học khỏi các loại virus dễ lây truyền, có thể bị nhiễm khi hít vào trong khi làm việc tại phòng thí nghiệm Vũ Hán. 

Sáng 25/1, nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc xác nhận có thêm 15 ca tử vong vì dịch viêm phổi, trong khi hơn 1.000 người đã nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Số người chết do viêm phổi Vũ Hán hiện tăng lên 41. Các bệnh viện quá tải bệnh nhân. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đây là "tình trạng khẩn cấp ở Trung Quốc" nhưng chưa phải mối lo ngại quốc tế, cho biết phần lớn nạn nhân tử vong là người cao tuổi và đã mắc nhiều chứng bệnh trước khi nhiễm nCoV.

Hiện, Trung Quốc đã đóng cửa một phần Vạn Lý Trường Thành cùng các địa danh nổi tiếng khác ở Bắc Kinh và nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh. Một loạt các lễ hội mừng Tết Nguyên đán cũng bị hủy bỏ. 13 thành phố tại tỉnh Hồ Bắc áp lệnh cấm đi lại nhằm ngăn nguy cơ lây lan, khiến khoảng 41 triệu người bị ảnh hưởng.

Thùy Anh (Theo Summit, Washington Times, China Daily, News)