Tại Nghệ An, chiều 6/4, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Chi đã ký quyết định công bố dịch tai xanh ở xã Diễn Nguyên, Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, đồng thời ban hành mức hỗ trợ 20.000 đồng một kg lợn hơi cho các hộ có gia súc bị tiêu hủy.
Hai ngày trước đó, tại hai xã này đã có trên 200 lợn ốm, chết. Kết quả xét nghiệm do Cơ quan Thú y vùng 3 thực diện đã phát hiện virus tai xanh trong các mẫu bệnh phẩm kiểm tra.
Tiêu hủy lợn bệnh. Ảnh: Sương Mai. |
Hiện đàn lợn trên 10.000 con của hai xã Diễn Nguyên và Diễn Quảng đang bị đe dọa do việc người dân bán tháo lợn bệnh, bất chấp quy định cấm mua bán, vận chuyển lợn các sản phẩm và thức ăn của chúng từ vùng có dịch ra các vùng khác.
Tại Hà Tĩnh, đến ngày 5/4, toàn tỉnh đã có 35 xã có dịch tai xanh, tập trung ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Tổng số lợn mắc bệnh trên 7.000 con, đã tiêu huỷ 5.300 con.
Dịch tai xanh gián tiếp gây nguy hiểm cho người Theo cơ quan chuyên môn, dịch tai xanh không trực tiếp lây sang người, nhưng người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này. Bởi hầu hết lợn chết là do mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, như phó thương hàn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn gây bệnh kế phát này có khả năng lây và làm chết người. Tháng 7/2007 đã có trên 40 người mắc bệnh liên cầu khuẩn và một số đã chết. |
Tại Thanh Hoá, dịch lợn tai xanh đã lan ra 134 xã thuộc 10 huyện: Thiệu Hoá, Triệu Sơn, Yên Định, Quảng Xương, Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Hậu Lộc, Như Thanh và Hoằng Hoá. Tổng số lợn ốm, chết là 30.600 con, số tiêu huỷ là 7.500 con.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang xem xét hỗ trợ cho mỗi kg lợn tai xanh bị tiêu hủy là 20.000 đồng; đồng thời, yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động giết mổ, buôn bán lợn, thịt lợn, sản phẩm từ lợn trên phạm vi toàn tỉnh từ 6/4 đến 15/4.
Tại Quảng Nam, tròn 7 tháng sau khi bỏ lệnh cấm ăn thịt lợn do lo ngại bệnh tai xanh, ngày 3/4, dịch bệnh lại xuất hiện tại tỉnh này.
Khẩn cấp chống dịch, ngày 4/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lại có thêm một công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các tỉnh có dịch thống nhất hành động tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn bị bệnh, không giữ để chữa trị.
Các tỉnh cần huy động lực lượng ngăn chặn việc bán chạy lợn bị bệnh, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; cấm buôn bán lợn, thịt lợn trong vùng có dịch và phải thường xuyên báo cáo kết quả dập tắt, ngăn chặn dịch cho Văn phòng Chính phủ và Bộ.
Trước đó, ngày 1/4, Bộ trưởng Phát đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Bắc, yêu cầu tổ chức lực lượng giám sát dịch 24/24h, cấm vận chuyển gia súc chưa qua xử lý chín vào, ra khỏi vùng dịch. Những người tham gia xử lý dịch cũng phải được vệ sinh, tắm rửa sạch trước khi ra khỏi vùng dịch.
Với tỉnh chưa có dịch phải tích cực tuyên truyền cho người dân không giấu lợn bệnh, không bán chạy và vứt xác lợn bệnh bừa bãi.
Sương Mai - Hồng Khánh