Thứ năm, 28/3/2024

Sốt xuất huyết

Thông tin bệnh lý được cung cấp bởi Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bác sĩ Chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.

Thông tin chung

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trước đây thường gặp ở trẻ em, song hiện đang có xu hướng gia tăng ở người lớn.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh, cơ thể chỉ sinh miễn dịch với tuýp virus đó. Vì vậy, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần trong đời.

Virus sốt xuất huyết

Virus sốt xuất huyết. Ảnh: Live Science

Hiện Việt Nam chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết. Việc điều trị chủ yếu nhằm vào triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu cần nhập viện.

Mức độ nguy hiểm nhất là bệnh nhân vào sốc, tay chân lạnh, mạch nhẹ khó bắt, huyết áp kẹp hay tụt, biến chứng suy đa cơ quan, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời. Nhẹ hơn thì đau mỏi người, chảy máu.

Bệnh xảy ra quanh năm, xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa, tháng 5 - 12.

Triệu chứng sốt xuất huyết

Triệu chứng dễ gặp, dễ nhận biết nhất là:

  • Đang khoẻ mạnh đột ngột sốt cao từ 30-41 độ C
  • Trên da nổi các chấm hồng ban nhỏ
  • Người đau nhức, mệt mỏi, chảy máu mũi
  • Chảy máu răng, tiểu ra máu, đi cầu phân đen...

Triệu chứng ở người lớn và trẻ em tương tự như nhau.

Ở phụ nữ nếu đang trong thời kì kinh nguyệt có thể bị rong kinh. 10-15% trẻ dưới 2 tuổi có thể kèm ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy.

Khác với các bệnh khác: Khi bệnh nhân sốt xuất huyết xét nghiệm máu thì chỉ số bạch cầu và tiểu cầu giảm, hồng cầu tăng lên - máu cô đặc. Còn sốt siêu vi tiểu cầu giảm nhẹ, các thành phần khác bình thường.

Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu sốt xuất huyết và Covid-19

Nguyên nhân

Con người là ổ virus Dengue chính. Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh.

Muỗi vằn là vật dẫn truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, zika...

Muỗi vằn là vật dẫn truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết, zika... Ảnh: Shutterstock.

Khi muỗi đốt người mang virus Dengue, virus sẽ có trong bao tử và nước bọt của muỗi vằn. Muỗi truyền virus này sang người lành thông qua vết muỗi đốt.

Cách điều trị

Việc quan trọng nhất là người có các dấu hiệu như trên đều cần được đưa đến bệnh viện khám để xác định bệnh lý. Nếu là sốt xuất huyết, tuỳ tình trạng mà bác sĩ sẽ chỉ định nhập viện hay theo dõi tại nhà và tái khám.

Hầu hết bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể theo dõi dấu hiệu biến chứng và chăm sóc tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên chủ yếu dùng thuốc hạ sốt và bổ sung dinh dưỡng.

Xem thêm: Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

Bệnh nhân điều trị tại nhà, đặc biệt là trẻ em cần tái khám hàng ngày. Đặc biệt, vào ngày thứ 3 đến thứ 6 của bệnh ngay cả khi đã hết sốt.

Trẻ em bị sốt xuất huyết cần tái khám hàng ngày.

Nếu trẻ có các dấu hiệu sau thì cần nhập viện cấp cứu, kể cả vào ban đêm, cuối tuần:

  • Ói mửa nhiều lần, Đau bụng
  • Bứt rứt, quấy khóc
  • Lừ đừ, li bì, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi
  • Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen
  • Trẻ bỏ ăn, bỏ bú
  • Nằm một chỗ, không chơi, than mệt...

Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn nhất cho cả người lớn và trẻ em được các bác sĩ chỉ định. Liều lượng tuỳ thuộc theo lứa tuổi, có thể dùng 3-4 lần trong ngày. Không được dùng quá liều gây ngộ độc.

Xem thêm:

4 cách chăm trẻ sốt xuất huyết tránh biến chứng

Cách hạ sốt cho trẻ sốt xuất huyết

Các loại thuốc tuyệt đối không sử dụng nếu bị sốt xuất huyết là Aspirin, Ibuprofen vì gây xuất huyết tiêu hoá nặng hơn. Không được tự ý truyền dịch nếu không có chỉ định từ bác sĩ và theo dõi của nhân viên y tế.

Chú ý về ăn uống, sinh hoạt

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên ăn:

  • Đồ lỏng, mềm, dễ tiêu
  • Uống nhiều nước
  • Bổ sung nước pha oresol theo chỉ dẫn
  • Tăng cường vitamin
  • Thức ăn nên ăn: Cháo thịt, súp, rau xanh nước hoa quả, sinh tố.

Thức ăn nên tránh: Các thực phẩm có màu đen, đỏ, nâu như cháo huyết, chocolate, nước xá xị... vì nếu nôn, đi cầu, dịch có màu đỏ khiến bác sĩ khó phân biệt với xuất huyết tiêu hóa. Đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và gia vị và các loại thực phẩm khó tiêu, giàu đạm như hải sản cần hạn chế, nếu ăn nên nấu chín.

Xem thêm: 10 lời khuyên về ăn uống cho người bệnh sốt xuất huyết

Người bệnh cần nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát, đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, giữ vệ sinh cơ thể. Khi tắm dùng nước ấm, tắm nhanh trong phòng che chắn kín không có gió lùa.

Trẻ em nên tắm từng phần một, như gội và lau khô tóc rồi mới đến tay chân. Tốt nhất là lau sạch người bằng khăn ẩm. Tránh tắm lâu trong nước lạnh dẫn đến viêm phổi.

Cách phòng ngừa sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. "Không có loăng quăng - không có muỗi. Không có vật chứa - không có loăng quăng".

Nhân viên y tế ở Đồng Nai xịt thuốc muỗi phòng dịch sốt xuất huyết tại TP Biên Hòa

Xử lý các ổ chứa muỗi vằn, bọ gậy: Phát quang bụi rậm, thu gom, loại bỏ các mảnh vỡ chén bát, chai lọ, vỏ dừa, lốp xe... Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày. Quần áo đã sử dụng có mồ hôi nên giặt ngay tránh muỗi trú ngụ. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên.

Xem thêm: Những điều cần tránh khi mắc sốt xuất huyết

Bác sĩ chuyên khoa

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Bác sĩ Chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến
Nơi công tác Bác sĩ Chuyên khoa II, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP HCM