Vận chuyển lợn bệnh sẽ làm dịch lây lan. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cục Thú y cho biết, dịch phát ra tại xã Đại Phong, huyện Đại Lộc. Hơn 60 con lợn đã mắc bệnh, trong đó già nửa là lợn sinh sản. Chi cục Thú y đã tiêu hủy toàn bộ số gia súc này.
Trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết chưa nhận được kết quả xét nghiệm, vì thế chưa thể công bố dịch. Tuy nhiên, chiều3/4 tỉnh đã họp để thống nhất các biện pháp phòng dịch, như tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh, khoanh vùng, cấm bán tháo lợn bệnh.
Quảng Nam đã có kinh nghiệm phòng chống dịch tai xanh. Trước đó từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8/2007, bệnh dịch đã tấn công 16 huyện thị và thành phố của tỉnh, làm 32.000 lợn nhiễm bệnh, trong đó có hơn 3.200 con chết và gần 5.000 con buộc tiêu hủy.
Theo Cục Thú y, đến nay, Quảng Nam là tỉnh thứ hai sau Hà Tĩnh tái phát dịch tai xanh. Tại Hà Tĩnh, dịch đã lan ra 10 xã của huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và thành phố Hà Tĩnh với hơn 3.000 lợn bệnh. Lo ngại dịch, người dân đã bán tháo lợn bệnh, làm tăng nguy cơ lây lan.
Ngày 1/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Bắc, yêu cầu tổ chức lực lượng giám sát dịch 24/24h, cấm vận chuyển gia súc chưa qua xử lý chín vào, ra khỏi vùng dịch. Những người tham gia xử lý dịch cũng phải được vệ sinh, tắm rửa sạch trước khi ra khỏi vùng dịch.
Với tỉnh chưa có dịch phải tích cực tuyên truyền cho người dân không giấu lợn bệnh, không bán chạy và vứt xác lợn bệnh bừa bãi.
Theo cơ quan chuyên môn, dịch tai xanh không trực tiếp lây sang người, nhưng người dân không nên ăn lợn ốm, chết vì căn bệnh này. Bởi hầu hết lợn chết là do mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội, như phó thương hàn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn gây bệnh kế phát này có khả năng lây và làm chết người. Tháng 7/2007 đã có trên 40 người mắc bệnh liên cầu khuẩn và một số đã chết.
Hồng Khánh