Chị Thảo được cha mẹ cho một ngôi nhà ở quận Gò Vấp, muốn hoàn tất sớm thủ tục sang tên, nhưng đã 2 lần đến mà chưa nộp được hồ sơ. Lần thứ ba, khi đã đầy đủ giấy tờ, cũng chỉ mới được phát phiếu hẹn, lại phải chờ ngày lên nhận hợp đồng và ký tên. Các công đoạn nộp lệ phí, đóng dấu công chứng… vẫn còn ở phía sau.
Theo ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng công chứng số 1 TP HCM, trước đây bình quân mỗi ngày chỉ chừng 400 lượt người đến đây, nhưng nay có hôm cao điểm lên đến cả nghìn lượt người. “Cán bộ công chứng giống như cái máy: 7h30’ ngồi vào bàn và ký cho đến 11h30’, buổi chiều cũng thế…”, ông Hoan nói.
Việc mở rộng phạm vi công chứng, tăng thẩm quyền chứng nhận của công chứng viên và chứng thực của UBND cấp quận, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân "đẩy" khối lượng công việc lên cao, khiến hoạt động công chứng trở nên quá tải.
Tại TP HCM, biên chế của cơ quan làm nhiệm vụ này mỗi năm đều tăng, bộ máy “phình” ra, nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng có thể mạnh dạn “xã hội hóa” hoạt động công chứng để giảm tải cho bộ máy nhà nước, đồng thời giải quyết một cách cơ bản những ách tắc hiện nay.
Theo ông Hoàng Xuân Hoan, một trong những phương án khả thi là nhà nước nên cho phép thành lập mới các "văn phòng công chứng" và quy định điều kiện, trình tự thủ tục bổ nhiệm công chứng viên để thực hiện hoạt động này. Họ không ăn lương từ ngân sách, mà được thu phí và thù lao theo đơn giá do nhà nước quy định. Một hoặc nhiều công chứng viên được thành lập một văn phòng, tự trang trải hoạt động và phải mua bảo hiểm nghề nghiệp để đảm bảo bồi thường thiệt hại nếu làm sai. Việc ra đời của những đơn vị có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực (tất cả các loại giấy tờ) sẽ tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn, qua đó nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh và chấm dứt sự phiền hà.
(Theo Thanh Niên)