
Ông Đinh Công Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dệt may Thành Công.
- Sau khi cổ phần hóa, chiến lược phát triển của Thành Công không chỉ tập trung vào ngành truyền thống như dệt, may mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác. Ông có thể nói rõ hơn về những lĩnh vực mới mà công ty đang hướng tới đầu tư?- Phát triển ngành nghề mới không chỉ là ý muốn của HĐQT công ty mà là ý nguyện, mong muốn của các cổ đông, vì vậy chiến lược phát triển ngành nghề của công ty sau cổ phần hóa là trở thành tập đoàn kinh tế hoạt động đa ngành nghề. Bên cạnh việc duy trì phát triển ngành nghề truyền thống (với tốc độ phát triển hàng năm 15%), công ty đã nhanh chóng mở rộng đầu tư, kinh doanh sang các ngành nghề mới như kinh doanh ngân hàng, chứng khoán, thương mại, vật liêu xây dưng, vận tải, xây dựng, bất động sản, dịch vụ du lịch …
Dự kiến trong cơ cấu ngành nghề công ty năm 2010, tỷ trọng ngành nghề truyền thống chỉ sẽ còn khoảng 50% và sẽ tập trung khai thác nhanh, có hiệu quả nguồn quỹ đất đai; Kinh doanh thương mại nguyên vật liệu ngành dệt may; Nghiên cứu khả năng đầu tư, hợp tác sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hóa chất thuốc nhuộm, bao bì, phụ liệu may…; Phấn đấu điều kiện và chuẩn bị nguồn lực (nhân sự, vốn…) để đầu tư hợp tác kinh doanh vào các lĩnh vực thuộc thị trường tài chính…
- Vậy hiện nay, Thành Công đã và đang đầu tư vào những dự án cụ thể nào chưa, thưa ông?
- Đó là một số các dự án bất động sản và các dự án có giá trị lợi nhuận cao khác đã và đang được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2007 và 2008 như: Khu văn phòng và căn hộ cao tầng Tây Thạnh (1ha) với tổng vốn đầu tư dự kiến 32 triệu USD; Khu công nghiệp SLICO (250 ha) với tổng vốn đầu tư dự kiến 37 triệu USD; Khu du lịch tại Phan Thiết (10ha) với tổng vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD cho các khu khách sạn 5 sao, resort ... vừa phục vụ cho CBCNV, gia đình và cổ đông nghỉ mát, vừa kết hợp kinh doanh; Khu kho ngoại quan 17ha tại cảng Phú Mỹ; Mỏ đá Tân Thành Bà Rịa Vũng Tàu trữ lượng khai thác khoảng 240.000m3/năm; Dự kiến sẽ đầu tư khu khám bệnh đa khoa nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ công nhân viên, kết hợp khám chữa bệnh cho dân cư trong khu vực; Và mới đây nhất, công ty đã nộp hồ sơ xin phép thành lập Công ty chứng khoán với số vốn ban đầu là 360 tỷ…Và còn rất nhiều dự án khác đã ký kết và đang trong giai đoạn triển khai.
- Nói như thế không có nghĩa Thành Công phủ nhận hiệu quả của ngành nghề truyền thống từ hơn 30 năm nay mang lại?
- Chính xác là chúng tôi đã và đang đổi mới để hội nhập, kêu gọi thu hút đầu tư và tạo vị thế mạnh trên thị trường. Chúng tôi không phủ nhận hiệu quả của quá trình hơn 30 năm qua bằng sự phát triển ngành nghề truyền thống. Minh chứng cho thấy sau hơn 30 năm hoạt động, chúng tôi được biết đến như là một thương hiệu đi đầu trong ngành dệt may không chỉ tại thị trường Việt Nam với rất nhiều giải thưởng do chính phủ và các tổ chức trao tặng, sản phẩm của Thành Công đã 11 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn danh hiệu Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao.
Thành Công là doanh nghiệp đã có trên 30 năm truyền thống, luôn biết bám sát từng bước phát triển của thị trường để uyển chuyển đổi mới, là một doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm và dám đi đến cùng trên con đường đã lựa chọn. Chúng tôi tự tin sánh vai cùng tất cả các doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam trên hành trình phát triển, khẳng định vị thế trong nước và khu vực.
Sau 1 năm cổ phần hóa, trong 6 tháng cuối năm 2006, hoạt động sản xuất kinh doanh đã đạt lợi nhuận là 19,21 tỷ đồng. So với cùng cùng năm trước (6 tháng cuối 2005), lợi nhuận cao gấp 4,76 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10,49% cao gấp 4,29 lần. Trong quý I/2007 hoạt động SXKD đã đạt lợi nhuận là 33,61 tỷ đồng. So với cùng cùng năm trước (quý I/2006), lợi nhuận cao gấp 6,69 lần, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 13,35% cao gấp 4,55 lần.
- Kỳ vọng của Thành Công khi chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian tới?
- Việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán ngoài việc tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu Thành Công cũng như thuận lợi cho việc xem xét, chủ động huy động vốn phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh thì điều chúng tôi mong muốn đó là thông qua việc niêm yết, Thành Công muốn chính thức minh bạch hóa tình hình tài chính, tình hình hoạt động của công ty, là kênh thông tin chính xác, đầy đủ, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực, nguồn lực tiếp cận tham gia vào đầu tư, tham gia đóng góp trí tuệ cho công ty để công ty ngày càng phát triển theo đúng nghĩa là công ty đại chúng.
- Việc Thành Công niêm yết trên sàn giao dịch vào thời điểm thị trường không còn “nóng” như cuối năm ngoái và đầu năm nay có ảnh hưởng gì đến giá cổ phiếu cũng như sức hút của Thành Công đối với các nhà đầu tư hay không?
- Đối với Thành Công, điều quan tâm là hiệu quả thực sự của hoạt động kinh doanh cũng như tiềm năng và các chính sách, cơ chế, điều hành để khai thác tiềm năng sẵn có như thế nào sao cho hiệu quả cao nhất, ổn định và bền vững. Giá cổ phiếu của Thành Công cũng như bao nhiêu cổ phiếu khác trên thị trường chắc chắn sẽ có ảnh hưởng do tác động bởi sự “nóng” hoặc “lạnh” tùy từng thời điểm của thị trường nhưng Thành Công tin tưởng rằng hiệu quả thực chất mới là quan trọng và nhà đầu tư hiện đã ngày càng sáng suốt, thận trọng để biết quyết định nên đầu tư vào đâu.
- Ngay sau khi cổ phần hóa, Thành Công đã có sự đổi mới mạnh mẽ trên nhiều phương diện nhưng thành công nhất là gì thưa ông?
- Với định hướng “Đổi mới để tồn tại và phát triển”, thành công nhất của công ty sau 1 năm cổ phần hóa là sự đổi mới về nhận thức và hành động của cán bộ công nhân viên công ty trong sản xuất và kinh doanh: lấy hiệu quả làm thước đo cho mọi hoạt động của từng người, từng đơn vị. Điều này thể hiện bằng sự thay đổi trước tiên là về cơ chế điều hành, tổ chức hoạt động.
Có thể nói cổ phần hóa đã mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động của công ty. Công ty được chủ động quyền quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình nên các vấn đề chiến lược, các chủ trương và quyết định đầu tư lớn của công ty được quyết định và triển khai nhanh chóng, tạo điều kiện nắm bắt kịp thời các cơ hội phát triển kinh doanh. công ty cũng nhanh chóng, mạnh mẽ tiến hành tinh giảm thủ tục, hợp lý hoá quy trình công việc, quy trình sản xuất nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết công việc.
Từ thay đổi lớn về cơ chế, Thành Công đã đạt được những kết quả ban đầu rất khả quan: tinh giảm lao động và tổ chức lại bộ máy phù hợp, nhân sự giảm nhưng hiệu quả hoạt động tăng; tác phong làm việc và nhận thức, tư tưởng của cán bộ công nhân viên có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao tinh thần làm chủ, nhận thức rõ sự cạnh tranh của thị trường, lấy hiệu quả làm mục đích hàng đầu, tin tưởng vào sự phát triển của Công ty, thấy sự gắn bó quyền lợi cá nhân và tập thể.
Kỷ niệm một năm cổ phần hóa với những thành tựu, kết quả ban đầu rất đáng phấn khởi, Thành Công hoàn toàn tự tin bước tiếp trên “Con đường mới”: phát triển mạnh ngành nghề truyền thống đồng thời mở rộng, tiến từng bước vững chắc trên các ngành nghề mới và tin tưởng vào một “Thành Công mới”.