Báo cáo do nhóm công tác thị trường vốn gồm đại diện các quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam nhận định, ngay từ trước khi thị trường thế giới bắt đầu suy yếu, Việt Nam đã đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm, lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại... "Những vấn đề này đều được Chính phủ giải quyết rất hiệu quả, không cần sự trợ giúp từ bên ngoài", báo cáo này nhận xét. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Việt Nam đã có khả năng đương đầu với khủng hoảng tốt hơn các nước châu Á khác trong cuộc khủng hoảng 1997-1998.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính lan rộng, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Chính phủ nên hoãn thực hiện việc thu thuế thu nhập chứng khoán từ đầu năm 2009 sang năm 2010 nhằm hỗ trợ thị trường. Họ cũng đề xuất kéo dài giờ giao dịch sang buổi chiều, thay vì chỉ vào buổi sáng như hiện nay, để nâng thanh khoản. Mặt khác, Chính phủ cũng nên cho phép thành lập các quỹ đầu tư hưu trí nhằm có thêm nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thị trường và tăng thanh khoản.
Thuế thu nhập cá nhân nói chung, và thuế đối với thu nhập từ chứng khoán nói riêng, là đề tài được nhiều nhà đầu tư nước ngoài bàn thảo trong cuộc đối thoại với lãnh đạo các Bộ hôm 1/12. Ảnh: Hoàng Hà |
Đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay, Bộ đang cơ cấu lại thị trường trái phiếu và cơ bản đồng ý với việc tăng thời gian giao dịch, điều chỉnh lô lớn trong giao dịch chứng khoán. Tới đây Bộ cũng sẽ cho phép xây dựng các quỹ hưu trí và bảo hiểm tư nhân nhằm tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường.
Riêng về việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân có hoãn hay không, Quốc hội sẽ quyết định. Ông Hà cũng đưa ra quan điểm của Bộ là chỉ đánh thuế khi nhà đầu tư đã có lợi nhuận. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu để trình Quốc hội", ông Hà nói.
Các quy định về quản trị công ty, nhất là trong bối cảnh thị trường có biến động, cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lưu ý. Khối ngoại cho rằng, việc công bố thông tin doanh nghiệp cần được quy định chi tiết, bao gồm thông tin về các khoản nợ có điều kiện, hợp đồng, nợ, các khoản đầu tư có giá trị. Cùng với đó là thông tin chi tiết về những người có liên quan đến đến sở hữu doanh nghiệp, các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị. Với các vi phạm trong quản trị doanh nghiệp, nhóm đề xuất xử lý công khai và bằng các biện pháp mạnh.
Nhóm công tác thị trường vốn cũng đề xuất việc công bố các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô sẽ thực hiện cần nhất quán, để giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp có định hướng, và củng cố niềm tin của họ. Mặt khác, cũng nên có quy định về ngày, giờ công bố chính thức các chỉ số kinh tế theo tháng, quý.
Theo ông Trần Xuân Hà, hiện Việt Nam đã có quy chế quản trị công ty, gồm cả công ty đại chúng đã niêm yết và chưa niêm yết. Ông cho rằng, quy chế này đã có vai trò tương đối tốt trong việc quản trị công ty đại chúng, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi cũng như sự độc lập của các cổ đông trong hội đồng quản trị, trong mua và bán cổ phiếu quỹ.
Về việc thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), ông Hà cho hay Bộ Tài chính đồng tình về nguyên tắc với việc giá phải do thị trường quyết định. Nhưng sau 2 năm thực hiện các quy định về IPO, sẽ cần một số sửa đổi, nhất là trong việc xác định giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, giá trị về vị trí địa lý, cũng như việc bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước và chọn đối tác chiến lược nước ngoài.
Ngọc Châu