Chiều 5/11, tại cuộc họp trao đổi về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đề nghị cần xác định thời gian công khai đánh giá tác động môi trường để người dân, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến.

Ông Hoàng Dương Tùng. Ảnh: Gia Chính
"Công khai cả danh sách hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường để nâng cao trách nhiệm khi đưa ra quyết định phê duyệt", ông Tùng nói và cho rằng công khai sẽ thu hút được các nhà khoa học chân chính, nhiệt huyết.
Trước quan điểm này, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết dự thảo đã quy định chủ dự án công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay trong giai đoạn tham vấn trên trang thông tin điện tử và lấy ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức họp. Sau khi chủ dự án hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cho cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm định phải có trách nhiệm đăng lên cổng thông tin điện tử để tham vấn một bước nữa trước khi phê duyệt.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn chuyên gia. Ảnh: Gia Chính
Về ý kiến công khai hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Hà khẳng định dự luật ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Hội đồng thẩm định, các thành viên do cơ quan thẩm định mời để tham vấn, nhưng chịu trách nhiệm sau này vẫn chính là cơ quan nhà nước.
"Việc công khai các thành viên hội đồng, dự luật sẽ nghiên cứu quy định giao cho Chính phủ để cân nhắc trong quá trình xây dựng nghị định, không quy định cứng trong luật", Bộ trưởng nói.
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đề nghị bổ sung mối quan hệ giữa môi trường và sức khoẻ con người và để nhận diện chất thải nguy hại thì nên thêm phạm trù "gây ung thư".
"Những nguy cơ từ môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nên cần có quy định", bà An nói và cho rằng thế giới đang ngày càng coi trọng sức khoẻ môi trường.

Bà Bùi Thị An. Ảnh: Gia Chính
Bộ trưởng Hà trả lời chất thải nguy hại không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ung mà còn nhiều nguy cơ bệnh tật khác như nhiễm độc gan, thận, hô nên "không cần ghi riêng việc gây ung thư". Bởi chất thải nguy hại đã có định nghĩa riêng, rộng hơn việc gây ung thư.
"Để tránh trùng lặp trong luật đã có một điều khoản quy định Bộ trưởng Y tế có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát, phòng ngừa các chất ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người".
Trước đó, ngày 2/11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trao đổi với các chuyên gia và thống nhất được vấn đề mở rộng các đối tượng tham vấn. Theo đó, ngoài các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, luật sẽ bổ sung các đối tượng bị ảnh hưởng và các chuyên gia.
Theo chương trình dự kiến, ngày 11/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).