Ngày 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi.
Tại dự thảo luật mới nhất, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về diện không chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh. Phương án 1, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không chịu thuế VAT. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu phù hợp với biến động giá, phát triển kinh tế xã hội. Phương án 2, mức doanh thu không tính thuế VAT do Chính phủ quy định.
Như vậy, ngưỡng doanh thu tính thuế VAT với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh có thể là 200 triệu đồng mỗi năm trở lên. Mức này tăng gấp đôi so với quy định hiện nay (100 triệu đồng một năm).
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban này cho rằng, quy định mức doanh thu chịu thuế VAT trong luật là cần thiết. Việc này nhằm minh bạch, các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước được dự toán.
Theo ông, doanh thu chịu thuế VAT hiện nay là 100 triệu đồng một năm, được tính theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ 2013. Với tăng trưởng kinh tế hiện nay, mức thu bình quân của các hộ kinh doanh đã tăng lên 285 triệu đồng một năm. Vì thế, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hàng năm dưới 200 hoặc 300 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức phù hợp.
Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói "mức 200 triệu đồng thì thấp, nhưng 300 triệu đồng lại cao quá". Ông Thanh cho rằng, cơ quan soạn thảo có thể tính toán mức doanh thu dưới 250 triệu đồng một năm thì không tính thuế VAT. "Mức này ảnh hưởng tới số thu ngân sách không nhiều, sát thực tế", ông Thanh nói.
Hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, mỗi năm đóng góp 30% GDP, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Giải trình tại phiên thảo luận, ông Lê Tấn Cận - Thứ trưởng Tài chính cho biết cơ quan soạn thảo đề xuất giao Chính phủ quy định cụ thể mức doanh thu chịu thuế của hộ kinh doanh để linh hoạt. Chẳng hạn, trường hợp nâng ngưỡng doanh thu lên 200 triệu hoặc 300 triệu đồng một năm thì sẽ loại được bao nhiêu hộ kinh doanh không chịu thuế, ảnh hưởng thế nào tới thu ngân sách.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Mạnh đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể mức doanh thu này.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) tiếp tục rà soát, thống nhất với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp dự kiến vào tháng 10.