Là giáo viên dạy cấp trung học phổ thông, tôi và cũng như nhiều đồng nghiệp đang rất buồn và nản trong giảng dạy từ khi các trường đại học xét tuyển học bạ. Có nhiều vấn đề rất khó nói.
Học sinh từ tiểu học đã phân biệt môn chính, môn phụ, bỏ môn, học thêm ngày đêm không có tuổi thơ. Áp lực thi THPT cao hơn thi đại học. Bậc THCS, học sinh chỉ học Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh mà bỏ qua môn khác để thi vào THPT. THPT trước đây học sinh học nghiêm túc nhưng bây giờ "hỗn loạn" từ khi xét tuyển học bạ.
Thời đi học, tôi học ở trường làng và cả lớp chỉ có 2/35 học sinh giỏi. Lên cấp ba, tôi học trường top của tỉnh, học sinh giỏi lớp 12 tầm 10/50, những học sinh giỏi đều thi đỗ đại học, thời đó không có học sinh xuất sắc. Còn bây giờ học sinh xuất sắc, điểm trung bình trên 9.0 rất nhiều, cá biệt có trường hợp cả lớp đều được xếp loại giỏi.
Xét tuyển vào đại học bây giờ dễ quá, nên cứ có bằng phổ thông nhà có điều kiện sẽ cho học đại học. Điều này đẩy việc thi vào THPT áp lực hơn, mặc dù rõ ràng một số học sinh không có khả năng theo học kiến thức THPT nhưng vẫn chịu áp lực thi cử.
Nên tập trung vào một, hai phương thức tuyển sinh đại học. Đằng này có tới 20 phương thức xét tuyển đại học thì làm sao học sinh, giáo viên tìm hiểu hết được?
Tôi chỉ mong Bộ Giáo dục có biện pháp, ví dụ như tất cả các trường công lập phải xét điểm thi THPT hoặc một kỳ thi đại học do Bộ chỉ đạo. Hoặc Bộ sẽ làm chặt chẽ điểm học bạ, như tổ chức các kỳ thi kiểm tra giữa và cuối học kỳ nghiêm túc, có thanh tra của Sở, Bộ ở tất cả các môn, các trường. Ra đề mức ngang nhau, điểm do trường chấm và nhập điểm.
Nhưng cách này rất không khả thi vì cần nguồn nhân lực giám sát cực kỳ lớn, vì vậy chỉ có cách thắt chặt đầu vào đại học bằng thi cử. Việc thi cử nghiêm túc sẽ giúp học sinh ý thức được việc học, nỗ lực cố gắng và đặc biệt là bài học về sự nghiêm túc, thật thà để vào đời.
Phạm Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.