Đóng góp vào đề án hiện đại hóa vận tải hành khách của Tổng cục Đường bộ, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị cơ quan này chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực quản lý, phương tiện, tài chính tham gia tuyến vận tải Bắc - Nam. Đối với doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ không đủ năng lực thì sẽ sát nhập thành đơn vị lớn hoặc ngừng hoạt động trên tuyến.
Hiệp hội kiến nghị cơ quan quản lý chọn tuyến vận tải Hà Nội - TP HCM là tuyến mẫu, các tỉnh thành trên cung đường này sẽ lựa chọn những bến xe có năng lực để tổ chức tiếp nhận phương tiện, bán vé cho khách trên tuyến, bố trí nơi dừng nghỉ cho khách và các dịch vụ phục vụ vận tải.
Hiệp hội cũng kiến nghị cơ quan quản lý tuyến xử lý nghiêm các doanh nghiệp "nhồi khách", như: thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải và cắt lịch trình tại bến xe.
![]() |
Hiệp hội vận tải Hà Nội kiến nghị xe khách Bắc - Nam phải do các doanh nghiệp mạnh quản lý. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trao đổi với VnExpress, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng xe chở khách hoạt động trên tuyến Bắc - Nam rất lộn xộn, nhiều doanh nghiệp chỉ có 1-2 xe cũng tham gia. Không lo giữ thương hiệu nên các nhà xe này thường vi phạm giao thông, như: chở quá tải, chạy quá tốc độ hoặc bán khách nên gây mất an toàn.
"Hiện đã có nhiều doanh nghiệp vận tải lớn có thương hiệu như Hoàng Long, Mai Linh, Hà Nội Transerco, Công ty CP xe khách 14, Tập đoàn Phượng Hoàng... có đủ năng lực tài chính và phương tiện phục vụ khách đường dài chất lượng cao. Các doanh nghiệp này cần được chiếm thị phần lớn trên tuyến Bắc - Nam", ông Liên nhận định.
Ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, các đơn vị vận tải nhỏ lẻ cần sáp nhập với doanh nghiệp lớn hoặc chỉ được phép chở khách trên các tuyến đường dưới 200 km.
Đoàn Loan