Ngày thứ hai xét xử vụ “chạy” hạn ngạch dệt may, cơ quan công tố đã nêu quan điểm về những kháng cáo của các bị cáo. Theo viện, dù Mai Văn Dâu chối bỏ, nhưng có đủ cơ sở để khẳng định hành vi nhận 6.000 USD của Nguyễn Cương trong việc tác động xét cấp quota cho các doanh nghiệp. Đó là việc Dâu đã tiếp Cương và các doanh nghiệp tại nhà, theo sự sắp xếp của Cương ghé thăm Công ty Đế Vương tại Long An chứ không đi theo chương trình công tác của Bộ…
![]() |
Các bị cáo trước tòa. Ảnh: A.N. |
Các tình tiết giảm nhẹ như có nhiều đóng góp cho đất nước, cho ngành ngoại thương, nộp lại số tiền đã nhận hối lộ… đều đã được xem xét đầy đủ. Cơ quan công tố cho rằng, mức án mà cấp sơ thẩm tuyên đã thấp hơn so với khung hình phạt mà đáng lẽ bị cáo này phải chịu, hơn nữa tại phiên tòa này bị cáo Dâu cũng không đưa ra được những tình tiết mới, nên cần phải giữ nguyên mức án 14 năm tù.
Cũng với những nhận định trên, VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên mức hình phạt 17 năm tù đối với Lê Văn Thắng, nguyên vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại; 12 năm của Nguyễn Cương, nguyên phó Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP HCM; 5 năm cho Mai Thanh Hải, nguyên chuyên viên Vụ Xuất nhập khẩu, con trai Mai Văn Dâu, Lai Wai Hung, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH Sundence Clothings và Trần Thu Lan, nguyên phó giám đốc Công ty TNHH Á Châu. Đối với hai bị cáo giữ vai trò là “cò” chạy hạn ngạch, chỉ có Phan Nghĩa Hiệp được đề nghị giảm án từ 4 xuống 3 năm do đã khắc phục xong hậu quả. Còn Phạm Anh Tuấn bị đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm 2 năm tù.
Chiều 19/6, tòa vẫn tiếp tục làm việc.
N.Hải