Theo quan điểm của VKSND Tối cao, việc làm của những cán bộ bưu điện này đủ cơ sở cấu thành hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Mỗi bưu điện đã gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng khi “biếu không” tiền mua hàng cho Nguyễn Lâm Thái.
Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ (Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an) cho biết, sai phạm tại 10 bưu điện trên đã được xác minh làm rõ. Những người liên quan đã nộp 100% tiền khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đang cân nhắc việc xử lý hình sự những cá nhân có sai phạm.
Tại 22 bưu điện khác, mỗi đơn vị gây thiệt hại dưới 1 tỷ đồng, cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhất trí không xem xét khởi tố, chỉ yêu cầu ngành bưu chính - viễn thông xử lý hành chính cán bộ liên quan nghiêm khắc.
Tổng cục Cảnh sát cho biết, từ tháng 1/1999 đến tháng 4/2005, cán bộ tại 38 bưu điện tỉnh, thành phố đã có sai phạm khi ký hợp đồng mua thiết bị do tập đoàn CIP của Nguyễn Lâm Thái cung cấp, gây thiệt hại 47 tỷ đồng.
Cuối tháng 1, vụ án đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS. 32 người bị đề nghị truy tố. Nguyễn Lâm Thái bị xem xét về tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm, tàng trữ lưu hành giấy tờ có giá giả.
18 cán bộ công tác tại bưu điện An Giang, Đồng Nai, Thái Nguyên, Bình Định, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, bị khởi tố tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những người giữ cương vị giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng kế hoạch...
Liên quan vụ việc, giám đốc Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính, Nguyễn Văn Thức, cùng cán bộ dưới quyền Nguyễn Thị Tuyết Lan bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hoàng Khuê