Ngày 27/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo quốc gia 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, khởi nguồn và động lực phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định Đề cương mang sứ mệnh khơi thông mạch nguồn văn hóa dân tộc khi đẩy mạnh cao trào phản đế, phản phong, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. "Đề cương cổ vũ tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho cách mạng, là ngọn đuốc soi đường phát triển nền văn hóa mới", ông Thắng nói.
Cuối tháng 2/1943, tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội), Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đây là văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa, khẳng định các hoạt động tư tưởng, học thuật, nghệ thuật bổ sung, chi phối lẫn nhau, tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc.
Đề cương nêu quan điểm văn hóa là một mặt trận, ngang hàng với kinh tế, chính trị. Trong đó, mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt qua cách mạng văn hóa với ba nguyên tắc căn bản là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh: Hà Phương
Theo ông Thắng, trong chặng đường 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tỏa sáng những giá trị cốt lõi của một văn kiện mang tầm cương lĩnh. Trong các thời điểm lịch sử, những luận điểm cốt lõi của Đề cương luôn được phát huy. Văn hóa Việt Nam từng ngày được xây dựng toàn diện, từ tư tưởng, đạo đức, lối sống; di sản văn hóa, văn học nghệ thuật, thể chế, hệ giá trị. Văn hóa đang trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực phát triển đất nước.
Khởi nguồn từ tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh" từ bản Đề cương, Đảng hình thành quan điểm phát triển con người là trung tâm của văn hóa. Hoạt động sáng tạo hướng đến phục vụ quần chúng, vun đắp tài năng để có tác giả, tác phẩm đỉnh cao; chống mọi sự xâm lăng văn hóa và bài trừ mê tín.
Báo cáo tại hội thảo, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bên cạnh giá trị về nền tảng, nguyên tắc cốt lõi, Đề cương còn có giá trị lớn trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam tám thập niên qua. Từ nền tảng tinh thần đó, Đảng đã xây dựng một số chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam với bốn giá trị trí, đức, thể, mỹ; gồm cả truyền thống như yêu nước, nhân ái, đoàn kết và giá trị hiện đại như năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật.

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Hà Phương
Trong tám thập niên qua, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam được gia tăng; nhiều di tích được trùng tu, nâng cấp; nhiều di sản được UNESCO ghi danh. Toàn quốc có hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú. Từ văn hóa, hình ảnh Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập, phát triển được nhiều bạn bè thế giới biết đến. Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam được ban hành năm 2016 đã tạo động lực để các ngành phát triển. Công nghiệp văn hóa năm 2018 góp 3,6% GDP cả nước.
Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận, đối chiếu với những nguyên tắc trong Đề cương, hiện nay môi trường văn hóa có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế chưa được quan tâm thỏa đáng. Do đó, thời gian tới Bộ sẽ chú trọng giải quyết nhiều vấn đề như nguy cơ phai nhạt bản sắc văn hóa; áp lực đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ; bất bình đẳng xã hội.
Bộ cũng đề cao văn hóa gia đình, nhà trường, xã hội, lan tỏa theo hướng "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu"; phát huy vai trò của văn học nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người, nhất là thế hệ trẻ. Bộ chỉ số quốc gia phát triển văn hóa sẽ được xây dựng để đóng góp vào phát triển đất nước. "Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững", ông Hùng nói.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: VGP
Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa Việt Nam "có ý nghĩa lịch sử, giá trị to lớn, mang tầm thời đại và sức sống lâu dài". Đề cương là phần quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa của dân tộc.
"Giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương để lại cho chúng ta những bài học quý báu", ông Nghĩa nói. Các bài học bao gồm phát huy đại đoàn kết dân tộc, nhân lên những giá trị tốt đẹp và kiên quyết loại trừ cái xấu, ác, tiêu cực, gây hại đến nền văn hóa dân tộc.
Theo ông Nghĩa, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, vào những bước ngoặt mang tính quyết định, sức mạnh của văn hóa dân tộc luôn được khẳng định và phát huy, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển. Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam "cho chúng ta niềm tin vững chắc rằng, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để đất nước đoàn kết, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng, đưa dân tộc ta đến những thắng lợi vẻ vang".