Thứ sáu, 24/5/2019, 18:30 (GMT+7)

Trước năm 2004, điện thoại động ở Việt Nam là sản phẩm dành cho người giàu bởi cước viễn thông không hề rẻ. Trong ký ức của thế hệ 7x, chỉ những gia đình giàu có mới mua được điện thoại di động. Giá trị của một chiếc điện thoại hai màu đen trắng là 4-5 triệu đồng, đủ cho một gia đình chi tiêu trong nửa năm. Nhưng có tiền để "nuôi" điện thoại hàng tháng lại là vấn đề lớn.

Vào năm 1993, sóng di động mới phủ ở bốn đô thị là Hà Nội, TP HCM, Biên Hòa (Đồng Nai) và Vũng Tàu (Bà Rịa Vũng Tàu). Giá cước dành cho thuê bao di động trả sau là 8.000 đồng một phút (tương đương 0,75 USD), phí thuê bao hàng tháng là 20 USD. Cho tới đầu những năm 2000, thị trường di động Việt Nam chỉ có hai công ty cung cấp dịch vụ di động.

Mức cước quy định ban đầu cho điện thoại di động nội vùng là 3.500 đồng một phút, liên vùng là 6.000 đồng một phút, cách vùng là 8.000 đồng một phút. Đến ngày 2/10/2001, trừ cước nội vùng vẫn giữ nguyên, cước liên vùng giảm xuống còn 5.000 đồng một phút, cước cách vùng còn 6.500 đồng một phút.

Ông Trần Đức Hà (sinh năm 1972, Nam Định), một trong những người đầu tiên dùng điện thoại di động khi ấy kể lại mỗi tháng mua một chiếc thẻ trị giá 300.000 đồng để nạp nhưng chỉ được 45 ngày sử dụng hai chiều nghe và gọi. Hết thời hạn trên, máy bị khóa chiều gọi, chỉ được nghe thêm 15 ngày.

Không riêng ông Hà, ngày đó tại cơ quan ông làm việc có cả trăm người, vỏn vẹn 6 người biết đến di động. Dù chưa có nhiều người dùng, nhưng theo ông di động là tài sản hữu ích lúc bấy giờ, đang ở đâu, mọi người gọi là có.

Theo thời gian phát triển của nền kinh tế, trong khi tất cả các mặt hàng đều tăng giá thì cước di động lại giảm. Điều này có được một phần khi thị trường viễn thông có sự cạnh tranh giữa các nhà mạng. Năm 2000 Viettel gia nhập mạng viễn thông Việt Nam với tiêu chí "di động cho mọi nhà".

Trước Viettel, nhà cung cấp dịch vụ di động đầu tiên không thuộc VNPT là S-Fone cũng ra đời. S-Fone đem đến một số chuyển biến trên thị trường dịch vụ di động đang độc quyền, nhưng phải đến tháng 10/2004, khi Viettel kinh doanh dịch vụ di động với công nghệ GSM, thị trường mới có đột phát.

Viettel phát triển trên nền tảng hạ tầng tự xây dựng trước khi kinh doanh dịch vụ di động. Chỉ trong 6 tháng có mặt trên thị trường, nhà mạng này phủ sóng tại 52 tỉnh rồi mở rộng ra phạm vi toàn quốc, gồm cả vùng sâu vùng xa, hải đảo.

Mức cước Viettel tung ra thấp hơn 30% so với 2 nhà mạng lớn thời điểm bấy giờ. Đáng chú ý đơn vị còn tính cước cuộc gọi theo block 6 giây và sau đó là trên từng giây gọi tiếp theo thay vì 60 giây như cách tính thông thường khi đó.

Theo thống kê của nhà mạng này, sự xuất hiện của Viettel giúp mật độ người dùng điện thoại di động ở Việt Nam từ 5% tăng lên thành 95% chỉ trong 3 năm (từ 2004-2007). Đồng thời, thương hiệu cũng tạo ra cuộc cạnh tranh trong ngành viễn thông, đẩy giá cước chung trên thị trường theo hướng có lợi cho khách hàng.

Về hạ tầng mạng, nếu như trước đó VinaPhone, MobiFone và cả S-Fone tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị thì Viettel phủ sóng khắp mọi miền quê của tổ quốc. Nhờ giá cước rẻ, khuyến mại lớn, chất lượng, phủ sóng khắp mọi nơi, thuê bao di động của thương hiệu viễn thông quân đội tăng nhanh ở khu nông thôn.

Một chiến dịch khác Viettel đánh mạnh vào thị trường bình dân ở khu vực nông thôn và những người có thu nhập thấp là "gói cước cà chua" (Tomato) tung ra năm 2006. Với quy định thời gian nghe không giới hạn kèm theo một cuộc gọi đến và đi phát sinh trong 3 tháng, Tomato được gọi là gói cưới cho người nghèo.

Kết quả ở phân khúc thấp đã đưa Viettel từ một nhà mạng non trẻ giành lấy vị trí số một trong thời gian 3 năm. Chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" sau này cũng được doanh nghiệp sử dụng ở nhiều thị trường nước ngoài khi thực hiện "Go Global".

Thành công ở Việt Nam, Viettel mang kinh nghiệm về viễn thông ra nước ngoài và đến nay tập đoàn hiện diện10 thị trường quốc tế: Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Peru, Burundi và Myanmar.

Trong số đó, nhà mạng dẫn đầu về thị phần viễn thông tại 5 quốc gia. Thương hiệu Mytel đã vươn lên vị trí số 3 tại Myanmar, thị trường quốc tế có quy mô lớn nhất, chỉ trong chưa đầy một năm, với 5,4 triệu thuê bao.

Trong một chuyến thăm của lãnh đạo Viettel sang Công ty viễn thông Thái Lan AIS, bà Yingluck Shinawatra lúc đó là Tổng giám đốc đã tiết lộ, thế giới đang chuyển sang 3G nên thừa thiết bị 2G. Viettel có thể mua trả chậm các thiết bị này.

Điều đó cũng nói lên một thực tế rằng thị trường viễn thông Việt Nam đi sau thế giới trong công nghệ 2G, 3G và sau này là cả 4G. Nhưng với 5G, Viettel đã có bước đi nhanh hơn.

Ngày 10/5/2019, Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) đã kết nối cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G. Với việc tích hợp hạ tầng phát sóng 5G, Việt Nam cùng với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới.

"Công nghệ 5G với tốc độ dữ liệu cao, độ trễ thấp, tiêu thụ điện năng thấp và điều quan trọng nhất là kết nối số lượng thiết bị lớn (IoT), điều này sẽ mở ra một trang mới cho ngành viễn thông và công nghệ của Việt Nam", ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel nói.

Cũng theo ông Lê Đăng Dũng, những ưu điểm của mạng 5G là cơ sở để tạo nên ứng dụng tiên tiến nhất như thực tế ảo áp dụng vào y tế, giáo dục, giao thông, nghiên cứu khoa học. 5G dự báo sẽ tạo nên đột phá cho đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhờ thúc đẩy trình độ khoa học ứng dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Riêng với Viettel, tập đoàn đã thực hiện số hóa các thiết bị mạng lõi, ảo hóa và triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm cho hạ tầng cố định, ảo hóa hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi tất cả các ứng dụng công nghệ lên nền tảng điện toán đám mây. Đơn vị triển khai hệ thống mạng lưới phân phối nội dung CDN đến cấp tỉnh trên toàn mạng lưới sẵn sàng cho hạ tầng Mobile Edge Computing của công nghệ 5G.

Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đầu tư các trung tâm dữ liệu tiên tiến, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ IoT cùng lúc. Tập đoàn đang có kế hoạch mở rộng thêm các trung tâm dữ liệu, đáp ứng nhu cầu dự báo lớn trong tương lai.

Nhờ cơ sở hạ tầng sẵn có tập đoàn nghiên cứu và ra mắt hàng loạt giải pháp về công nghệ, ứng dụng trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông, Chính phủ điện tử... phục vụ đời sống xã hội.

Nội dung: Thành Dương
Thiết kế: Lợi Nguyễn