![]() |
Khu tứ giác Eden một khu "đất vàng" ở TP HCM. Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn |
Nhìn vào danh mục 20 ô phố, điều dễ nhận thấy là sức hấp dẫn của các dự án. Có nhà đầu tư tỏ ra hào hứng, quan tâm ngay đến khu tứ giác trường Ernst Thalmann với dự án cao ốc 55 tầng cho các chức năng khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại. Nhưng khi “nghe ngóng” được thông tin là lãnh đạo quận 1 yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng một trường học khác với quy mô ít nhất cũng tương đương với trường Thalmann hiện tại, ông này lại quay về với những mối lo lắng cũ. Đất ở đâu để xây một trường? Liệu chính quyền thành phố hay quận này có chỉ cho khu đất nào không? Ai sẽ hỗ trợ và thời hạn bao lâu để thực hiện vụ “tái định cư” này?...
Cũng có người đặt câu hỏi về phía chính quyền thành phố, ai được giao “cầm chịch” để tập trung xúc tiến các quy hoạch này, hay chỉ công bố vậy thôi rồi ai quan tâm dự án nào phải tự lo theo kiểu cũ.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có sự hỗ trợ của địa phương, tự doanh nghiệp khó có thể có phương án tái định cư một cách hiệu quả và nhanh chóng, bởi mỗi một ô phố đều có những đặc thù riêng. Một nhà đầu tư địa ốc cho biết thêm, việc tính toán đưa tất cả những chi phí này vào chi phí đầu tư dự án để xem xét tính hiệu quả của dự án tới đâu cũng là ẩn số. “Nếu tính không khéo rất dễ bị... cưỡi lên lưng cọp”, ông này nói.
Chính vì vậy, dù ai cũng thừa nhận việc công bố các dự án lần này là một bước tiến về mặt thông tin nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chúng chỉ thực sự minh bạch khi các dự án được đưa ra đấu thầu công khai để chọn ra chủ đầu tư phù hợp.
Nhà nước không thể đứng ngoài công tác đền bù giải tỏa. Nếu cứ theo cách làm cũ là chủ đầu tư tự thương lượng với dân sẽ khiến nhà đầu tư bị chôn một phần lớn vốn và việc đầu tư dự án không mang lại hiệu quả thực tế. Ông Lê Viết Hải, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình, đề xuất Nhà nước nên lãnh trách nhiệm đặt ra công thức đền bù sao cho sát với giá thị trường, hợp ý số đông và thực hiện quyền thu hồi đất đối với số ít khó thương lượng. “Tôi nghĩ các nhà đầu tư sẵn sàng đấu thầu dự án, đóng tiền sử dụng đất đầy đủ và họ sẽ được nhẹ nhàng hơn nhiều khi chỉ phải tính toán chuyện đầu tư trên miếng đất trắng, không phải đối diện với rủi ro vì những bài toán thuộc về tương lai”, ông Hải nói.
Một yếu tố quan trọng khác được nhiều chủ dự án đề cập là chuyện duyệt thiết kế. Trước nay, những nhà đầu tư muốn thắng thầu thường phải thắng thiết kế trước. Với những dự án quan trọng, chắc chắn nhà đầu tư phải thuê dịch vụ tư vấn thiết kế của nước ngoài. Riêng khoản chi phí này cũng tốn hàng trăm ngàn đô la Mỹ mà nếu không trúng thầu dự án thì xem như mất trắng. Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc An Phú, quy trình này nên đổi ngược lại. Các dự án được cơ quan chức năng quy hoạch sơ bộ cùng những quy định về thông số kỹ thuật sao cho đáp ứng được chiến lược phát triển quy hoạch chung, yêu cầu mỹ quan kiến trúc, phù hợp điều kiện cung cấp hạ tầng kỹ thuật của thành phố... Sau đó, dự án được đem đấu thầu để chọn nhà đầu tư phù hợp. Khi nhà đầu tư nào thắng thầu trở thành chủ dự án mới triển khai thiết kế chi tiết cho dự án.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)