Người gửi: Phạm Thị Thoa
Đọc bài "Vẫn buồn khi con đạt học sinh giỏi" của chị Minh Dung, tôi cũng có cùng quan điểm với chị. Hiện, ngành giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại hiện tượng ưa thành tích của các thầy cô giáo và nhà trường.
Tôi có 6 đứa cháu ruột đi học và ở các trường học đó cũng có hiện tượng như vậy. Các cháu tôi học đến cuối kỳ hoặc hết năm học đứa nào cũng mang về giấy khen học sinh giỏi hoặc tiên tiến. Hỏi ở lớp có nhiều bạn như các cháu không thì chúng đều trả lời gần như cả lớp đều như thế.
Lúc đầu cũng thấy vui vì nghĩ con cháu mình học hành cũng tạm ổn. Nhưng khi kiểm tra kiến thức của các cháu thì gia đình tôi và bố mẹ các cháu đều thấy không yên tâm chút nào. Bởi với trình độ của các cháu thì ngày xưa chúng tôi không bao giờ được học sinh tiên tiến chứ chưa nói đến học sinh giỏi. Kiến thức của các cháu cũng thấy bị hổng rất lớn và bài làm thì không có sự tư duy nhiều lắm.
Đọc tâm sự của chị Minh Dung, tôi cũng băn khoăn không hiểu cứ theo đà này, giáo dục nước nhà sẽ đi về đâu. Tôi cũng ở Hà Nội và lo lắng không biết mấy năm nữa khi có con đi học, tôi sẽ cho chúng học ở đâu để chúng được đánh giá đúng khả năng học tập, để chúng nhìn bạn bè mà so sánh, phấn đấu. Chứ cứ bằng nhau hết lượt như bây giờ thì khi lớp trẻ nhìn nhận được đúng bản thân mình để mà học tập, mà phấn đấu có lẽ đã bị muộn mất rồi.
Tôi cũng mong muốn như chị Dung, tất cả các bậc phụ huynh và xã hội hãy lên tiếng để loại trừ căn bệnh thành tích ra khỏi ngành giáo dục, một ngành cần sự nghiêm túc đánh giá con người để làm động lực cho người ta phấn đấu. Có như thế giáo dục nước nhà mới phát triển được.
Người gửi: Trần Hạnh Minh
Tôi cũng có cảm xúc và băn khoăn tương tự tác giả bài viết "Vẫn buồn khi con đạt học sinh giỏi". Không phải chỉ có trường chuyên, trường điểm mới như vậy. Tôi đã chuyển con từ một trường dân lập nổi đình đám về trường công vì con trai tôi, viết chữ như gà bới, thủ công không xé nổi một cái cây, tiếng Anh chữ tác đánh chữ tộ, mà cũng là học sinh giỏi. Cô giáo bảo đấy là để động viên các cháu.
Mong sao ngành giáo dục đưa ra nhiều phân cấp xếp loại để các cháu cố gắng.
Thêm nữa là vấn đề sách giáo khoa, các loại sách bài tập tham khảo, đa số in trên giấy kém chất lượng không có dòng kẻ, làm trực tiếp thì xấu, tự làm vào vở ôli thì không thích hợp. Môn tiếng Việt thì đầy rẫy những câu cú ngô nghê. Ví dụ, con trai tôi hỏi "Ngoài bờ đê có tổ dế Tí ạ" là gì hả mẹ? (sách tiếng Việt lớp 1). Tôi mới trải nghiệm sách lớp 1và 2, không biết sau này còn thế nào.