Huy Tuấn đẫy người hơn ngày xưa một chút, song vẫn giữ được sự trẻ trung nhanh nhẹn khi tiếp xúc và với tôi cậu ta vẫn tỏ ra rất trọng thị.
Vậy là đã mấy năm tôi và cậu không gặp lại nhau. Thời kỳ đầu trở về cơ quan cũ, năm nào vào ngày Nhà giáo Việt Nam cậu chẳng đến tận nhà tôi thăm hỏi, biếu quà. Năm nào đến ngày giỗ Đỗ Quyên cậu chẳng đi cùng vợ đến thắp hương tại nhà tôi. Cậu luôn có câu cửa miệng mỗi lần gặp lại: Nếu không phải thầy là người hướng dẫn trực tiếp, em không thể được như ngày hôm nay. Công thầy lớn lắm. Trong số gần một chục cao học tôi hướng dẫn trực tiếp, thì Huy Tuấn là người ngay từ đầu đã không làm một tí chuyên môn nào có liên quan đến nội dung học ở đại học và luận văn tiến sĩ, dường như những thứ đó chỉ đơn thuần là cây cầu để cậu bước từ bờ bên này của chuyên môn đơn thuần sang bờ bên kia thuộc địa hạt của những hoạt động chính trường. Quả cái học vị đã phát huy hiệu quả rõ rệt cho đường công danh của cậu. Gần đây thành phố còn ra nghị quyết: Bất luận ai là cán bộ đầu ngành phải có bằng tiến sĩ. Người đã tốt nghiệp đại học, còn tuổi để đề bạt cố làm cho được tiến sĩ đã đành, người chỉ có bằng tốt nghiệp đại học qua học hàm thụ, học từ xa kiến thức lõm bõm mới khổ, cũng phải cố, thôi thì không có kiến thức thì dùng tiền mua kiến thức, không có sự thông minh trời cho thì dùng tiền mua thông minh của người khác, lo lót đủ kiểu để cuối cùng cũng có được cái bằng cho hợp với sự chuẩn hoá cán bộ. Trong lúc nhiều người vất vả vậy để có cái bằng và chỗ đứng trong quan trường, thì cậu ung dung nhàn nhã bởi đã đi trước thời đại, nên cơ hội thăng tiến như diều gặp gió, rồng gặp mây.
Cậu theo đúng được như lộ trình mà người cha đã vạch, ngay cả sau khi ông nghỉ hưu (Ông Bộ trưởng hơn tôi một tuổi). Mấy năm nay cậu được điều về cơ sở theo luân chuyển cán bộ, hằng năm không có điều kiện đến thăm tôi nữa. Vả lại, tôi là người có một thứ bản năng tự vệ đến kỳ cục, khi đã ra khỏi vòng cương toả của chính trường rồi, khi chỉ làm chuyên môn thuần túy vẫn luôn để mắt dè chừng những kẻ có chức sắc chung quanh bởi một suy nghĩ cũ mèm: họ sẽ không từ thủ đoạn nào đạt được mục đích, tốt nhất là “kính nhi viễn chi”. Cậu học trò bị tai tiếng từ hồi biệt phái sang Viện đã xa đến cả chục năm rồi, vẫn còn làm tôi phải cảnh giác dẫu cậu có ngoan, có tốt, có kính thầy đến mấy. Nay sự việc xảy ra với Diệu Thúy, ở một nơi còn quá xa lạ thế này, không thể không nhờ đến cậu, mà tôi vẫn chưa hết ái ngại. Nhưng cậu thì luôn có thiện chí. Khi nghe trong điện thoại tôi nói sẽ đến gặp ở tại cơ quan trong vòng ít phút nữa, cậu tỏ ra mừng rỡ, bảo là ngay từ giờ sẽ gác lại mọi việc để tiếp thầy.
Từ xa tôi đã nhận ra cậu, đang đứng ở cổng sát đường chờ sẵn. Ông xe ôm có lẽ cũng đã quen mặt vị quan đầu tỉnh này, thì ngoái lại thán phục bảo với tôi: “Hoá ra bác là cán bộ cốp của trung ương, giả dạng thường dân về đây thị sát tình hình”. Tôi vừa tụt khỏi yên xe, Huy Tuấn đã chạy đến tay bắt mặt mừng, còn bảo thầy về đây cứ gọi điện trước, em cho xe về thành phố đón tại nhà riêng, chứ việc gì phải đi xe ngoài vất vả thế này.
Phòng làm việc của Huy Tuấn rộng rãi, bài trí ngăn nắp, có chủ ý đâu ra đấy. Lọ hoa tươi đặt trên bàn nước. Có mấy bức mầu dầu nhái tranh Van Gogh treo trên tường (Tôi biết đấy là tranh của danh hoạ trường phái ấn tượng người Hà Lan, vì tôi vốn yêu thích hội hoạ và ở nhà có hẳn bộ sưu tập về Van Gogh khá đủ, tất nhiên toàn là tranh in phiên bản). Đặc biệt, phía sau bàn làm việc của cậu có một tủ kính lớn đầy ắp những cuốn sách dày cộp, bìa cứng, qua gáy sách có thể nhận ra đó là những trước tác kinh điển của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin, Hồ Chí Minh. Thấy tôi nhìn tủ sách với sự tò mò, Huy Tuấn bảo, thầy ạ ở đây không có sách chuyên môn đâu. Giờ em phụ trách mảng tuyên huấn, văn hoá, giáo dục, phải đọc các trước tác này mới đi giảng bài, nói chuyện thời sự được. Thầy ạ, trình độ dân trí bây giờ cao lắm, không nói có sách mách có chứng sẽ chẳng ai tin, chẳng ai nghe đâu. Nghe vậy tôi bảo ngay, thầy thì chưa bao giờ đọc hết được một quyển thuộc loại sách kinh điển ở đây, có lẽ thế nên lý luận kém, không làm lãnh đạo được. Buột miệng mà nói thế, chứ tôi đâu có ý gì, có thể làm Huy Tuấn chạnh lòng chăng. Vẻ mặt cậu vẫn thản nhiên, hai tay cầm chén cung kính mời tôi uống nước trà, còn cười bảo, thầy khiêm tốn nói vậy thôi, chứ thầy là cây đa cây đề trong giới khoa học nước nhà, ai chẳng kính nể cả về lý luận lẫn thực tiễn. Em mời thầy ở đây chơi vài ngày, em sẽ đưa đi thăm, giới thiệu với các vị chức sắc đứng đầu đảng, chính quyền của tỉnh, đi thăm thú các thắng cảnh địa phương, thầy cũng phải biết thêm những món đặc sản miền sơn cước này nữa. Khi nào thầy về sẽ có xe đưa tận nhà. Nghe cậu học trò nói tôi cười bảo, không nhất thiết phải chu đáo quá thế. Rồi tôi hỏi thăm cậu qua loa về công việc và hướng công tác mới khi mãn nhiệm tại địa phương, sau đó vào việc luôn.
- Anh biết chủ tịch huyện P. Lưu Văn Đằng chứ? Tôi hỏi.
- Vâng ạ - Huy Tuấn nhìn tôi hỏi lại - Thầy quen biết anh ấy?
- Chưa gặp bao giờ. Nhưng tôi đã gặp cô con gái anh ấy tên là Diệu Thúy trên thành phố. Đang làm một cái việc rất tồi tệ.
Huy Tuấn tỏ ra ngạc nhiên thực sự. Anh nói, thường xuyên làm việc với huyện P, với chủ tịch Đằng, vì đây là huyện thí điểm của tỉnh về đổi mới văn hoá, giáo dục. Cũng biết ông ấy có hai cô con gái, cô lớn vừa đi Úc, cô bé đang học lớp 12. Thầy vừa nói đó là cô ở nhà đấy. Vậy là cô ấy bỏ học. Về thành phố làm việc gì rất tồi tệ ạ?
- Tôi tình cờ gặp cô ta thôi - Tôi nói - Tại một ổ điếm.
- Vậy ư! Huy Tuấn nhíu đôi mày nhìn tôi, rõ ràng rất quan tâm đến điều tôi vừa nói - Thầy biết chỗ cô ta đang ở?
- Phải rồi. Chính vì thế tôi lên đây, trước hết muốn báo cho ông ấy để sớm đón con về. Tôi còn thắc mắc, tại sao con một nhà tử tế như thế lại bỏ đi bụi? Tại sao một cô gái còn trẻ, được giáo dục của gia đình và nhà trường lại cam tâm làm cái việc nhơ bẩn ấy. Gặp anh, cũng là muốn anh đưa sang nhà ông chủ tịch huyện nọ để nếu được thì tìm hiểu thêm cho biết ngọn ngành.
- Được ngay thôi ạ. Nói rồi Huy Tuấn giở điện thoại di động trong túi, bấm gọi: “A lô. Anh Lưu Văn Đằng đấy ạ. Anh đang ở đâu? Vâng. Tôi có việc cần gặp anh gấp. Đến ngay bây giờ nhé”.
Tôi nhìn Huy Tuấn hỏi:
- Không biết anh đã gặp cô con ông Đằng lần nào chưa?
- Em chỉ nghe nói, chứ chưa gặp.
- Gương mặt, dáng người giống hệt Đỗ Quyên hồi trước khi nó mất mới lạ chứ. Tôi nói tiếp.
- Thế ạ! Huy Tuấn ngạc nhiên, hỏi lại - Giống hệt ạ?
- Vì quá giống - Tôi nói - như hai chị em sinh đôi vậy. Có lúc mình còn lẩn thẩn nghĩ đây là kiếp luân hồi của Đỗ Quyên chăng. Giống lúc Đỗ Quyên mười tám tuổi, hồi anh mới biệt phái về Viện ấy. Cũng có lẽ vì thế mà tôi quan tâm hơn, muốn hiểu kỹ hơn gốc gác của cô bé này, mong sớm cứu nó ra khỏi vũng bùn nhơ.
Huy Tuấn đến cạnh bàn làm việc, rút từ trong ngăn kéo ra một tấm ảnh, đưa cho tôi bảo:
- Đỗ Quyên năm ấy đây ạ.
Tôi giật mình khi cầm lại tấm ảnh của con gái, nhận ra ngay đó là ảnh nó chụp vào hôm sinh nhật trước ngày gặp nạn không lâu. Phía sau bức ảnh có dòng chữ tròn trĩnh cùng chữ ký quen thuộc của nó “Tặng anh. Tuổi 18 vô tư lự”. Tôi bồi hồi. Nếu đặt tấm ảnh bây giờ của Diệu Thúy, cũng mặc áo giống của Đỗ Quyên, chụp cùng góc độ, ánh sáng, chắc chắn cả tôi và Huy Tuấn cũng khó mà nhận ra ai là ai. Tôi trả lại Huy Tuấn cái ảnh và hỏi đi được chưa? Anh nói được ngay thôi ạ, em đã hẹn với anh Đằng rồi. Giờ ta đến thẳng trụ sở ủy ban huyện.
Phạm Quang Đẩu
Còn tiếp...
(Tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" của Phạm Quang Đẩu, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012)