Sáng 30/5, danh ca Minh Cảnh về TP HCM trong vòng tay của bạn bè, đồng nghiệp. Ông xúc động khi ở tuổi ngoài 80 vẫn được nhiều nghệ sĩ nhớ đến và gọi bằng "anh Hai".
* Minh Cảnh hát vọng cổ khi về nước
Gặp lại thầy sau nhiều năm, Nghệ sĩ Ưu tú Minh Minh Tâm cảm động khi thấy danh ca vẫn giữ chất giọng sang sảng, sức khỏe tốt. Ông còn ngẫu hứng ca một đoạn vọng cổ khi hội ngộ.
Ngoài thăm gia đình, bạn bè, Minh Cảnh mong có dịp tham gia mini show của học trò. Nghệ sĩ Ưu tú Minh Minh Tâm cho biết đang làm hồ sơ xin cấp giấy phép cho ông biểu diễn trong đêm nhạc mang tên Nhớ mãi ơn thầy. Sự kiện dự kiến diễn ra ngày 17/6 tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, với các khách mời: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ, Cẩm Tiên... Ngày 25/6, Minh Cảnh sẽ trở về Mỹ.
Minh Minh Tâm và nghệ sĩ Minh Cảnh có mối thâm tình. "Anh là thần tượng của tôi thuở còn trường làng, từ đó cho tôi niềm đam mê ca hát. Ngoài cha mẹ, anh như là người sinh tôi ra lần thứ hai. Chiếc áo, cái xe cho đến ngôi nhà tôi đang ở đều có nửa phần công lao của anh", Minh Tâm nói. Cả hai từng đóng trong trích đoạn Bên cầu dệt lụa ở một chương trình tôn vinh Minh Cảnh vào thập niên 1990.
Minh Cảnh tên thật là Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1937. Năm 1959, vốn mê hát cải lương, Minh Cảnh được ông Hai Sĩ dạy ca vọng cổ, sau đó được nghệ sĩ vĩ cầm Văn Được hướng dẫn ca tài tử. Năm 1960, ông theo hát ở đoàn Kim Chung. Ông nổi tiếng khi hát các làn điệu vọng cổ của cố soạn giả Viễn Châu như Võ Đông Sơ, Lương Sơn Bá, Mưa trên phố Huế, Sầu vương ý nhạc, Chuyến xe lam chiều, Lưu Bình Dương Lễ, Trái sầu riêng (với Mỹ Châu), Ni cô và kiếm sĩ (với Diệu Hiền)... Năm 2005, ông sang Mỹ định cư.
Minh Cảnh sáng tạo ra trường phái ca làn hơi dài khi vô vọng cổ với nét đặc trưng là rõ chữ, chắc nhịp. Ông tạo ảnh hưởng cho loạt nghệ sĩ sau này. Nhiều người lấy nghệ danh theo tên ông như: Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh, Minh Long Cảnh, Tuấn Cảnh, Minh Cảnh Hưng, Cảnh Minh, Cảnh Thăng, Cảnh Hiếu...
Mai Nhật
Video: Thanh Hiệp