Thứ bảy, 25/12/2021, 08:15 (GMT+7)

"Chuyển đổi nguyên liệu chính từ da bò thật sang da bò nhân tạo là một trong những công trình tự nghiên cứu thành công nhất đối với Công nghệ sản xuất bóng thể thao tại công ty Delta", đại diện công ty cho biết. Bằng chứng là sản phẩm nhận nhiều giải thưởng, chứng nhận như Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn Quốc lần thứ 12 (năm 2012-2013 đạt Giải Nhì); Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Tuy vậy, sau 3 năm kể từ khi đưa vào ứng dụng trong sản xuất, doanh nghiệp này muốn nhắm đến tiêu chuẩn toàn cầu, đó là tiêu chuẩn FIFA.

Hệ thống các thông số kỹ thuật do FIFA (Liên đoàn bóng đá thế giới) ban hành là một trong những thước đo quan trọng cho các nhà cung cấp bóng đá toàn cầu nếu muốn có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với quả bóng đá, tiêu chuẩn FIFA được đo đạc cụ thể từ khối lượng, chu vi, độ tròn, độ thấm nước, độ nảy ở 20 độ đến 50 độ C...

Đó là lý do doanh nghiệp hoàn thiện công trình nghiên cứu Công nghệ sản xuất bóng đá đạt tiêu chuẩn FIFA từ vật liệu da nhân tạo. Dự án nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng đều chất lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nhất là tối ưu hoá các ưu điểm của da nhân tạo, hạn chế thấp nhất các khuyết điểm có thể xảy ra và đạt tiêu chuẩn bóng đá thế giới do FIFA quy định.

Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị thể thao, bóng đá là một trong những sản phẩm phức tạp về quy trình sản xuất. Mỗi nhà cung cấp đều có một công nghệ riêng biệt khác nhau. Đơn cử, Adidas là thương hiệu sản xuất bóng đá hàng đầu và lớn nhất trên trên toàn thế giới, với công nghệ sản xuất loại bỏ công đoạn may, khâu vỏ trái bóng. Thay vào đó là bí quyết riêng giúp đúc dán các mảnh ghép theo hình thù khác nhau. Vì đây là bí quyết công nghệ riêng của Adidas và hiện chưa ai có thể sao chép. Các sản phẩm của Adidas phục vụ các giải đấu lớn trên thế giới như World Cup, Euro, UEFA Champions league 2016 hay giải đấu ở các quốc gia hàng đầu châu Âu như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Đức...

Còn với thương hiệu Delta, lần đầu tiên được đăng ký và bảo hộ tại Hungari với công nghệ sản xuất bóng đá mà nguyên liệu chính là da bò thật. Trước khi sử dụng da bò, các nhà nghiên cứu ở đây đã có quãng thời gian rất dài để thử nghiệm các loại nguyên liệu khác như da hươu, da báo, thậm chí cả bọc vải lụa xung quanh nhưng tất cả đều không đảm bảo hai mục đích là bảo vệ ruột hơi và phải mài nhẵn để có thể thể hiện những hoa văn bắt mắt trên sản phẩm.

Đến năm 2002, sau nhiều năm hợp tác và tìm hiểu thị trường tiêu thụ, doanh nhân Nguyễn Trọng Thấu cũng với các sáng lập viên đã mua lại toàn bộ công nghệ, thiết bị, thương hiệu & thị trường của Delta về Việt Nam và thànhl lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Delta với công nghệ sản xuất quả bóng đá từ da bò thật.

Tuy nhiên, sau đó công nghệ này bộc lộ khá nhiều hạn chế về mặt chất lượng, năng suất và nhất là nguồn nguyên liệu ngày một khan hiếm. Chính vì vậy, từ năm 2004, ban lãnh đạo công ty tổ chức tìm hiểu, nghiên cứu thay đổi công nghệ nhằm mục tiêu thay thế da bò bằng một loại vật liệu khác. Từ năm 2007 đến 2012, công ty vừa sản xuất, vừa nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công da nhân tạo.

Dự án nâng cấp mới nhất của nhà sản xuất hướng tới hoàn thiện 7 quy trình. Thứ nhất là hoàn thiện về cấu trúc tổng thể quả bóng.

Trước khi nâng cấp, cấu trúc quả bóng gồm 2 phần vỏ và ruột bóng. Trong đó, vỏ bóng là lớp được tạo bởi các mắt phôi được may thành hình tròn có tác dụng chịu lực, tạo độ nảy, độ đàn hồi độ tròn và hình ảnh hoa văn sản phẩm. Ruột bóng là vecsi được tạo nên từ cao su tự nhiên 85-90% (butyl)) có tác dụng giữ hơi.

Khi được hoàn thiện, cấu trúc tổng thể quả bóng được bổ sung thêm một phần nằm ở giữa hai lớp trên là lớp quấn chỉ. Đây là lớp bao quanh ruột bóng bằng sợi chỉ PE đi qua dụng cụ chứa lớp keo Latex (65% mũ cao su tự nhiên). Lớp này sẽ có tác dụng duy trì độ tròn của sản phẩm. Vì vậy, lớp vỏ sẽ không còn chịu trách nhiệm đảm bảo độ tròn, vốn là một trong những chỉ số cực kỳ quan trọng của sản phẩm bóng đá.

Quy trình thứ hai là thay đổi chất liệu da nhân tạo. Loại da đang sử dụng là PVC (polyvinyl clorua), nguyên liệu thuộc thế hệ đầu tiên của các dòng da nhân tạo. Ưu điểm là giá thành rẻ; dễ sản xuất. Nhược điểm là cứng và ảnh hưởng lớn đến môi trường khi sản phẩm hết công dụng. Chính vì vậy, nhà sản xuất thay thế hoàn toàn bằng dòng da PU (Polyurethane) cấu tạo mềm, êm hơn, ít ảnh hưởng đến môi trường.

Một quy trình quan trọng khác được cải tiến là bồi dán để liên kết các lớp da nhân tạo PU và vải dệt PE. Hiện nay, công đoạn này được thao tác thủ công, với các lớp vật liệu được cắt theo khổ 1,38m x 1,40m và liên kết với nhau. Với dự án mới, Delta cho biết sẽ chuyển sang sử dụng máy móc để gia tăng công suất. Các quy trình khác cũng được cải tiến như dập phôi, in ấn hoa văn, bên cạnh cải tiến nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để các thành phẩm và bán thành phẩm không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (độ ẩm cao).

Quy trình mới sẽ được nhà sản xuất áp dụng ở cả hai sản phẩm là bóng thể thao khâu tay và bóng may máy.

Sau khi hoàn thành dự án, công suất của nhà máy được tính toán đạt mức 100% và cho doanh thu 60 tỷ đồng với 480.000 quả bóng đá khâu tay và 132 tỷ đồng với 1,2 triệu bóng đá khâu máy.

Trên tổng doanh thu 192 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 27,75 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 6,1 tỷ đồng.

Trước khi chuyển đổi công nghệ, bóng da nhân tạo của Delta đã được xuất khẩu sang hơn hàng chục quốc gia. Trong đó, bóng thể thao khâu tay được xuất khẩu sang 32 quốc gia từ Brazil, Chile, Hungary, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc...nhằm phục vụ các giải đấu đỉnh cao tại đây. Bóng thể thao may máy là dòng sản phẩm cấp trung với mục đích chủ yếu là phục vụ luyện tập và thi đấu cấp độ nhỏ, được xuất khẩu phục vụ trong môi trường giáo dục và các trung tâm đào tạo & phát triển bóng đá trẻ của thế giới.

Dự kiến, sau khi đổi mới xong công nghệ đạt các tiêu chuẩn cao nhất của FIFA như FIFA Pro; FIFA Quality và FIFA IMS, Delta cho biết sẽ không dừng lại ở 32 quốc gia mà còn mở rộng hơn nữa, nâng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp lên 10 triệu USD đến 15 triệu USD mỗi năm.

Nội dung: Văn Phú - Thiết kế: Đức Việt

Thông tin về các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, xin liên hệ:

Văn phòng các Chương trình khoa học và Công nghệ quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ.

Địa chỉ: 113 - Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Điện thoại: (84.24) 3.5551.726.

Fax: (84.24) 3.5551.725.

Email: vpctqg@most.gov.vn.

Webiste: http://vpctqg.gov.vn.