"Nhật Bản đã thông báo ý định mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35 hoàn toàn mới. Thỏa thuận này sẽ giúp Nhật sở hữu phi đội F-35 lớn nhất trong các đồng minh của Mỹ", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 27/5.
Động thái này giúp Nhật trở thành nước có số lượng tiêm kích F-35 nhiều thứ hai thế giới với tổng cộng 147 chiếc, chỉ xếp sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo quyết định của Tokyo cũng có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á.
"Hợp đồng này nhiều khả năng sẽ giúp Nhật Bản giành lại vị thế cường quốc an ninh hàng đầu châu lục, đồng thời đặt ra thách thức mới cho nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Trung Quốc", cây bút Lee Jeong-ho của SCMP nhận xét.
Washington và Tokyo từ lâu đã cảnh giác với động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhật Bản hồi năm 2016 công bố chiến lược đối ngoại "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", trong đó khuyến khích trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không.
Lo ngại của Mỹ được thể hiện qua báo cáo thường niên tại quốc hội được công bố hồi đầu năm nay. "Trong hàng chục năm tới, lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung vào xây dựng đất nước thịnh vượng với quân đội 'đẳng cấp thế giới', bảo đảm vị thế siêu cường vượt trội các nước khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", quan chức Mỹ viết trong báo cáo.
Tiêm kích F-35A Nhật bay huấn luyện năm 2018. Ảnh: JASDF. |
Thỏa thuận mua 147 tiêm kích tàng hình F-35 cùng kế hoạch hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay sẽ là mối đe dọa với tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, do chúng có thể mở rộng tầm tác chiến cho lực lượng Nhật Bản. Dù không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Tokyo luôn đề cao vai trò của các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực.
"Hợp đồng F-35 sẽ giúp Nhật đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, cũng là thành phần quan trọng trong chiến lược răn đe toàn cầu của Mỹ. Số lượng máy bay lớn như vậy sẽ thay đổi cân bằng sức mạnh ở châu Á - Thái Bình Dương", chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming đánh giá.
Dù Bắc Kinh đã đưa vào biên chế nhiều tiêm kích tàng hình J-20 và giành ưu thế trong cuộc đua chiến đấu cơ thế hệ 5, ngành hàng không Trung Quốc vẫn gặp hàng loạt vấn đề với dự án J-20, đặc biệt là hệ thống động cơ. Thỏa thuận Mỹ - Nhật sẽ gây áp lực đáng kể với Trung Quốc, buộc nước này tìm cách hoàn thiện chương trình tiêm kích nội địa.
Theo kế hoạch quốc phòng được chính phủ Nhật Bản thông qua hồi đầu năm, 40 trong số 105 tiêm kích tàng hình đặt mua từ Mỹ sẽ là phiên bản F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).
"Sự xuất hiện của bộ đôi F-35B và tàu sân bay Izumo sẽ thay đổi hoàn toàn trạng thái trên Biển Đông hiện nay", Zhang Baohui, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận xét.
Hai khu trục hạm trực thăng lớp Izumo của Nhật. Ảnh: JMSDF. |
Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư tại Đại học quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, cho rằng hợp đồng F-35 sẽ cải thiện năng lực tác chiến cho quân đội Nhật Bản, giúp nước này chiếm ưu thế trên không và trên biển. Nó cũng tăng cường đáng kể năng lực hiệp đồng tác chiến giữa Washington và Tokyo.
Nhật Bản từ lâu đã muốn sở hữu tiêm kích thế hệ 5 để bảo vệ chủ quyền, trong bối cảnh tranh chấp liên quan đến nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Trung Quốc trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, Washington từ chối bán tiêm kích tàng hình F-22 cho Tokyo vì không muốn chia sẻ công nghệ nhạy cảm.
Việc mua siêu tiêm kích F-35 có thể giúp Nhật Bản xử lý vấn đề này. "Sự xuất hiện của những chiếc F-35 trên tàu sân bay lớp Izumo sẽ giúp Nhật Bản triển khai sức mạnh không quân ở tầm xa, đặc biệt khi Trung Quốc biên chế nhiều vũ khí chuyên hủy diệt các căn cứ tiền phương", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nhận định.
Bắc Kinh đang triển khai mạng lưới phòng không dày đặc ở đại lục và những vùng biển xung quanh nước này. Chiến hạm Trung Quốc cũng sở hữu nhiều hệ thống phòng thủ hiện đại, có tầm bắn lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có kinh nghiệm đối phó tiêm kích tàng hình bằng radar hải quân.
Một trong những chiếc F-35A đầu tiên trong biên chế Nhật. Ảnh: JASDF. |
"Thiết kế tàng hình của F-35B giúp quân đội Nhật giảm rủi ro khi đối đầu với các hệ thống phòng không tối tân. Chúng có khả năng sống sót cao hơn rất nhiều so với phi đội tiêm kích F-15 lạc hậu trong chiến tranh công nghệ cao", Bronk nhận xét.
Tokyo có thể tận dụng khả năng do thám và trinh sát của F-35B để cung cấp tham số mục tiêu cho khí tài đồng minh. Tàu chiến Mỹ và Nhật Bản sẽ khai hỏa dựa trên dữ liệu này, cho phép những chiếc F-35B không cần mở khoang vũ khí để tấn công nhằm duy trì khả năng tàng hình trước các cảm biến đối phương.
"Phi đội F-35 Nhật Bản chắc chắn dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang, buộc Trung Quốc biên chế và triển khai nhiều tiêm kích tàng hình trong khu vực để đối phó sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh", Song Zhongping, nhà phân tích quân sự Trung Quốc, cho hay.
Vũ Anh (Theo SCMP)