![]() |
Tân phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi. Ảnh: PV |
- Thưa ông, Hà Nội triển khai việc thực thi đội mũ bảo hiểm trên toàn thành phố từ ngày 15/12 tới như thế nào?
- Ngành giao thông, công an sẽ thực thi trước, làm gương cho nhân dân. Thứ hai là kiên quyết xử lý vi phạm. Từ 15/7, cảnh sát giao thông thành phố đã ra quân kiểm tra người không đội mũ bảo hiểm trên 6 tuyến quốc lộ. Dự kiến trong tháng 9 tiếp tục mở rộng thêm các tuyến nữa. Từ tháng 12, sẽ triển khai trên tất cả tuyến đường.
Tôi thấy việc quan trọng là phải tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả của việc đội mũ bảo hiểm, sẽ tránh được những đau thương đáng tiếc.
- Thành phố đã lường trước những khó khăn gì khi triển khai quyết định này của Chính phủ?
- Trước hết, chính quyền hãy làm hết trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền đối với dân đã. Khi người dân hiểu rồi thì người ta sẽ tự giác. Nếu dân thực hiện tự giác thì mới có thể thành công được.
- Cảnh sát giao thông thành phố sẽ không đủ lực lượng để xử lý toàn bộ số người vi phạm, thành phố tính toán việc này như thế nào?
- UBND thành phố sẽ đưa ra quy chế kiện toàn lực lượng dân phòng, từ cấp quận huyện đến phường xã. Tăng quyền hạn đối với lực lượng dân phòng để họ có thể xử lý gần như cảnh sát giao thông.
Thứ hai là có thể lập chốt theo nhóm. Trước đây, tổ gồm 3 cảnh sát xử lý vi phạm, thì nay có thể một cảnh sát cùng một dân phòng, cách này khiến chúng ta có thể rải quân để kiểm tra trên diện rộng.
- Nghị định 152 không đưa ra quy định tạm giữ xe 3 ngày khi người đi xe máy không có mũ bảo hiểm, tại sao Hà Nội lại có quy định này?
- Với mức xử phạt thấp theo nghị định 152 thì trên địa bàn của thành phố chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Giải pháp tạm giữ phương tiện tôi cho là có hiệu quả.
- Thành phố sẽ chuẩn bị các điểm trông giữ xe vi phạm như thế nào để đáp ứng khi số xe bị tạm giữ tăng cao?
- Thành phố đã xác định, nếu thiếu điểm trông xe thì sẽ bổ sung. Tuy nhiên, hiện tại thì chưa thiếu. Chúng tôi sẽ tận dụng theo phương thức xã hội hóa. Doanh nghiệp có diện tích đảm bảo trông giữ xe, an toàn, phòng chống cháy nổ thì được cấp phép chứa xe vi phạm. Hoặc khu trông giữ xe hiện nay cũng được sắp xếp lại để nhận xe vi phạm.
- Người dân đang lo ngại mũ bảo hiểm sản xuất ra không đủ đáp ứng, giá thành tăng cao nhưng chất lượng không đảm bảo, ông nghĩ sao?
- Các doanh nghiệp thấy Nghị quyết ban hành ra đã phải chuẩn bị cơ số mũ để bán ra trên thị trường. Còn việc chất lượng có đảm bảo hay không thì cơ quan chuyên ngành sẽ phải kiểm tra. Nếu thấy không đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định. Kiểm tra thị trường mũ cũng như kiểm tra các loại hàng hóa khác.
- Trong khi đường phố Hà Nội khá nhỏ hẹp thì việc đội mũ bảo hiểm sẽ gây mất mỹ quan, không thuận tiện, ông có nhận xét gì?
- Thực hiện cái gì mới, bản thân người thực hiện phải có một quá trình. Khi bắt đầu, ai cũng thấy chưa quen. Vì chưa quen nên phải có thời gian. Nghị quyết 32 ban hành ra đến tháng 12 mới áp dụng trên toàn thành phố. Rất mong nhân dân hiểu được điều đó, chuẩn bị cho mình thực hiện cho tốt.
- Xin hỏi, ông có hay đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy không?
- (Cười) Tôi ít đi xe máy, nhưng khi đi xe thì tất nhiên phải đội mũ bảo hiểm. Trước hết là để bảo vệ cho mình. Ở nhà tôi, riêng tôi có 3 mũ bảo hiểm.
Đoàn Loan (thực hiện)