Hà Linh -
- Ông sẽ miêu tả về "Mật mã Da Vinci" như thế nào cho những người chưa từng đọc tác phẩm nào trước đây của ông?
- The Da Vinci Code là câu chuyện về giáo sư biểu tượng học lừng danh Robert Langdon, người được mời đến bảo tàng Louvre nhằm giải mã một chuỗi biểu tượng bí ẩn liên quan đến tác phẩm nghệ thuật của Da Vinci. Trong quá trình nghiên cứu, anh phát hiện ra chìa khóa dẫn tới bí mật lớn nhất mọi thời đại. Do đó, anh trở thành kẻ bị săn đuổi. Một trong rất nhiều đặc điểm khiến Mật mã Da Vinci trở nên độc đáo là ở tính chất có thực của câu chuyện. Tất cả các chi tiết lịch sử, tác phẩm nghệ thuật và nghi thức bí mật trong cuốn tiểu thuyết đều được miêu tả chính xác.
Nhà văn Dan Brown. Ảnh: AP. |
- Tác phẩm tiếp theo của ông sẽ lại là một cuốn sách về Robert Langdon?
- Chắc chắn. Tôi định xây dựng Robert Langdon là nhân vật chính trong tác phẩm của tôi trong nhiều năm tới. Sự tinh thông của anh trong lĩnh vực biểu tượng đủ để anh "xài" trong những chuyến phiêu lưu vô tận. Hiện tại, tôi đã có phác thảo cho hơn 10 cốt truyện trinh thám về Robert Langdon diễn ra ở những địa danh bí ẩn trên khắp thế giới.
Tôi cũng đang triển khai một cuốn trong số đó - phần tiếp theo Mật mã Da Vinnci. Lần đầu tiên, Langdon sẽ dấn thân vào khám phá một bí ẩn diễn ra trên đất Mỹ. Cuốn tiểu thuyết mới này khám phá lịch sử ẩn giấu ngay tại thủ đô chúng ta.
- Trong quá trình sưu tập tài liệu cho cuốn "Mật mã Da Vinci", điều gì khiến ông cảm thấy hứng thú nhất?
- Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khi tôi nhận ra rằng, một trong những bí mật lớn nhất của lịch sử gần như lại không bí mật như chúng ta nghĩ. Manh mối để tiếp cận với sự thật ở ngay cạnh chúng ta... trong nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc, huyền thoại và lịch sử. Nói như Robert Langdon là "Dấu vết ở khắp nơi".
- Nếu độc giả muốn tìm hiểu về Hội tam điểm, ông khuyên họ nên đọc những cuốn sách gì?
- Có quá nhiều sách về Hội tam điểm nên thật khó mà quyết định nên bắt đầu từ đâu. Là người nghiên cứu sâu về tổ chức này (qua sách vở và cả việc phỏng vấn với các hội viên), tôi chỉ xin lưu ý rằng, có một số lượng lớn sách viết không chính xác. Để có những thông tin xác thực, bạn chỉ nên đọc những đầu sách do các hội viên Hội tam điểm viết.
"Mật mã Da Vinci" được dựng thành phim. Ảnh: imdb. |
- Bây giờ ông đang đọc gì?
- Nghe hơi lạ, nhưng quả thực tôi rất ít đọc tiểu thuyết. Vì tác phẩm của tôi đòi hỏi phải đổ công sức nghiên cứu tài liệu rất nhiều, nên hầu như tôi chỉ đọc sách về lịch sử, tiểu sử, sách dịch và các văn bản cổ. Những nhà văn truyền cảm hứng cho tôi gồm có Robert Ludlum bởi khả năng xây dựng những cốt truyện phức tạp; John Steinbeck bởi nghệ thuật miêu tả và William Shakespeare bởi lối chơi chữ.
- Cuốn sách nào có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông?
- Cho tới khi tốt nghiệp đại học, tôi hầu như không đọc một cuốn tiểu thuyết thương mại hiện đại nào (chỉ tập trung vào những tác phẩm kinh điển được giới thiệu trong trường học). Năm 1994, trong thời gian đi nghỉ ở Tahiti, tôi "nhặt" được cuốn sách cũ - Doomsday Conspiracy (Âm mưu ngày tận thế) của Sydney Sheldon - trên bãi biển. Tôi đọc hết trang thứ nhất, sang trang thứ hai, trang thứ ba... rồi cứ thế... Vài tiếng sau, tôi đọc xong và nghĩ: mình cũng có thể viết được như vậy. Khi trở về nhà, tôi bắt đầu bắt tay vào viết cuốn sách đầu tiên. Digital Fortress (Pháo đài số) được xuất bản năm 1996.
Những đầu sách của Dan Brown. Ảnh: msnbc. |
- Xin hãy kể tên 10 cuốn sách ông yêu thích nhất và nêu lý do?
- Of Mice and Men (Của chuột và người - John Steinbeck): Giản dị, hồi hộp và chua xót. Hơn thế, đoạn văn đầu tiên của mỗi chương luôn thể hiện nghệ thuật miêu tả bậc thày.
Gödel, Escher, Bach (Douglas Hofstadter): 3% mà tôi thực sự hiểu được từ cuốn sách là những điều thực sự thú vị.
Kane and Abel (Hai số phận - Jeffrey Archer): Tôi ngạc nhiên về tài năng của Archer trong việc sử dụng một tích cũ mà không làm mất tính hiện tại trong trần thuật. Đây là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về sự kình địch giữa anh em ruột thịt.
Plum Island (Đảo Plum - Nelson DeMille): DeMille vẫn là bậc thày về nghệ thuật châm biếm và khả năng kiểm soát điểm nhìn.
Loạt truyện The Bourne Identity (Ludlum): Những tác phẩm của Ludlum đầy sự phức tạp, đau khổ, nhưng vẫn giữ được nhịp độ phát triển rất nhanh.
Much Ado About Nothing (Ầm ĩ vì chuyện không đâu - William Shakespeare): Tôi chỉ hiểu đầy đủ tính hài hước của vở kịch này cho tới khi tôi trở thành giáo viên tiếng Anh và phải trực tiếp giảng dạy nó. Không ở đâu có những đối thoại hóm hỉnh như thế.
Wordplay: Ambigrams and Reflections on the Art of Ambigrams (John Langdon): John Langdon là một trong những thiên tài đích thực. Cuốn sách của ông đã thay đổi cách nhìn của tôi về tính cân xứng, biểu tượng và nghệ thuật.
Codes Ciphers & Other Cryptic & Clandestine Communication (Fred Wrixon): Một bộ sách bách khoa về nghệ thuật, khoa học, lịch sử, triết học và mật mã.
The Puzzle Palace (James Bamford): Mặc dù đã hơi lỗi thời nhưng cuốn sách này vẫn có sức mê đắm lòng người.
The Elements of Style (William Strunk và E.B. White): Bởi không ai có thể nhớ hết được các quy tắc ngữ pháp cũng như các sử dụng dấu chấm câu.
- Thế đâu là những bộ phim ông yêu thích?
- Những tác phẩm điện ảnh tôi thích là Fantasia, Life is Beautiful, Annie Hall và Romeo and Juliet của Zeffirelli. Tất nhiên, nếu nói về phim giải trí thuần túy thì có thể kể đến Indiana Jones hoặc loạt phim Pink Panther.
(Nguồn: bookbrowse)