Có 4.565 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, trong đó có 133 tổ chức, khối lượng 139.093.400 cổ phần, trong đó cá nhân mua 50.979.200, tổ chức mua 88.114.200.
Số lượng đăng ký khiêm tốn như vậy được nhà đầu tư Bùi Minh Hải, làm việc tại một ngân hàng cổ phần phân tích dựa trên 3 lý do. Thứ nhất, khối lượng chào bán trong đợt đấu giá này ở tầm lớn nhất từ trước tới nay, giá khởi điểm cũng ở mức top với 50.000 đồng. Như vậy cứ đặt mua 1.000 cổ phần nhà đầu tư phải đặt cọc 5 triệu đồng, so với các đợt đấu giá cổ phần trước đây có giá khởi điểm 11-40.000 đồng, những ai muốn đầu cơ suất mua cổ phần phải cân nhắc rất kỹ. Mua ủy thác qua Công ty chứng khoán Southern Bank, nhà đầu tư lại phải mua tối thiểu 5.000 cổ phần, nếu trúng thầu với giá cao họ khó có đủ tiền để lấy cổ phiếu. Một lý do quan trọng khác là thời gian đăng ký đấu giá và nộp tiền đặt cọc diễn ra ở thời điểm thị trường đang tuột dốc, nhiều nhà đầu tư không hào hứng với đấu giá cổ phần.
Một tay chơi, tham gia tới 10 phiên đấu giá cổ phần trong năm qua, hờ hững với đạm Phú Mỹ bởi lo ngại sau khi cổ phần hóa nhà máy sẽ bị giảm dần ưu đãi giá khí, lợi nhuận do đó giảm và doanh nghiệp khó cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.
Do khối lượng đặt mua chỉ cao hơn khối lượng chào bán 10.000 cổ phần nên kịch bản của phiên đấu giá đã được lường trước. Một nhà đầu tư trên diễn đàn Vietstock cho rằng chỉ cần đặt giá 50.000-52.000 là nhà đầu tư trúng thầu.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ mới đi vào hoạt động từ 2005, cung ứng 1/3 nhu cầu phân urê trong nước và chiếm 50% thị phần tại các tỉnh phía Nam, ngoài ra nhà máy còn sản xuất amôniắc lỏng phục vụ sản xuất.
Việt Phong