Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường, tuyên bố dịch tiêu chảy cấp đã lan ra 10 địa phương, hai tỉnh mới mỗi nơi có một ca nhiễm tả. Đến nay, số người nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm này đã lên tới 85, trong đó Hà Nội đứng đầu với 44 ca.
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đang điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện Xanh Pôn chiều 3/4. Ảnh : Hoàng Hà. |
Số bệnh nhân nhập viện vẫn tiếp tục tăng chóng mặt. Ngày 2/4, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tiếp nhận thêm gần 70 người. Bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí ở tầng 2 và tầng 4, người bệnh phải nằm cả ngoài hành lang. Có tới 5 trường hợp nặng bị suy thận, phải lọc máu, một số trường hợp khác bị mất mạch và huyết áp.
Viện trưởng Nguyễn Đức Hiền cho biết, trong số bệnh nhân tiêu chảy điều trị tại đây kể từ đầu tháng 5, đã có 61 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, chủ yếu ở Hà Nội và Hà Tây.
Khoa Nội 2 Bệnh viện Xanh Pôn cũng đang quá tải với 80 bệnh nhân tiêu chảy cấp. Riêng trong 2 ngày đầu tháng 4 đã có gần 40 người vào viện.
Trước việc gia tăng các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm, Bộ Y tế đã quyết định miễn phí điều trị cho các bệnh nhân trong đợt này.
Bộ cũng đang lo ngại dịch sẽ phát triển mạnh hơn nữa, bởi hiện là mùa cưới và mùa hè đang đến gần. Tại một bữa cỗ 600 người ăn ở Thanh Hoá, việc chuẩn bị thức ăn kéo dài tới 2-3 ngày. Sau bữa tiệc này, có 40 người bị tiêu chảy và 6 trường hợp được xác định mắc tả. Mẫu nước ao ở nhà này cũng có phẩy khuẩn tả. Ca tả đầu tiên vừa được phát hiện ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cũng bắt nguồn từ cỗ cưới.
Theo điều tra dịch tễ của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, ở các tỉnh có dịch tả, người dân đều có thói quen dùng phân tươi bón ruộng và đây là một nguồn lây rất lớn.
Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn lo ngại, với thói quen ăn uống, canh tác mất vệ sinh như hiện nay, khả năng dịch lan ra miền Trung và miền Nam là rất lớn.
Hải Hà