Thứ năm, 21/2/2019, 09:01 (GMT+7)

Cựu binh Hàn hy vọng về tuyên bố kết thúc chiến tranh tại cuộc họp Trump - Kim

Những người từng tham gia cuộc chiến 1950 - 1953 mong Triều Tiên có động thái thực chất để thiết lập hòa bình.

Song Jin-won, cựu binh Hàn từng chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Al Jazeera.

Song Jin-won, cựu binh Hàn từng chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: Al Jazeera.

Song Jin-won đang học cấp hai khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950. Ông nhập ngũ từ khi còn là học sinh. "Tôi và đồng đội tham gia trận đồi Sudo, gần một nửa trung đội thiệt mạng".

Khi Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến gặp nhau tại Việt Nam ngày 27-28/2, các cựu binh, trong đó có ông Song, hy vọng hội nghị thượng đỉnh sẽ đóng vai trò là bước tiến lớn để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Ngày 25/6/1950, chiến tranh nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tháng 7/1950, quân đội Mỹ tham chiếm để hỗ trợ Hàn Quốc chống lại Triều Tiên trong khi Triều Tiên nhận được sự hậu thuẫn của quân chí nguyện Trung Quốc.

Hai miền bán đảo về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến chỉ được kết thúc bằng hiệp định đình chiến năm 1953 chứ chưa có hiệp ước hòa bình.

"Tất nhiên tôi muốn chiến tranh chấm dứt và hòa bình được thiết lập. Trong hội nghị thượng đỉnh Singapore năm ngoái, việc Triều Tiên tháo dỡ vũ khí hạt nhân được đề xuất như điều kiện để làm việc đó", Ro Moo-sik, phó chủ tịch Hội cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên (KWVA) tại Seoul, nói, theo Al Jazeera.

"Nhưng vấn đề là Triều Tiên chỉ nói mà không thực sự thúc đẩy việc này. Họ vẫn sở hữu nhiều vũ khí và quân số lớn. Họ vẫn sẵn sàng cho chiến tranh", Ro nhận xét. "Thật không may cho chúng tôi khi không thể hoàn toàn tự đưa ra quyết định vì rất nhiều bên liên quan đến việc này".

Theo Lee Seong-hyon, chuyên gia tại Viện Sejong, nếu Mỹ - Triều tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh trong hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam, đó sẽ chỉ là động thái mang tính biểu tượng.

"Triều Tiên và Mỹ đều đang thực hiện các động thái chiến thuật mà không hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau", ông nói. "Tuyên bố chấm dứt chiến tranh có thể giúp Trump và Kim không bị bẽ mặt và Hàn Quốc sẽ hoan nghênh".

Tổng thống Hàn Moon Jae-in đã tích cực thúc đẩy việc chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, Narushige Michishita, giáo sư tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia tại Tokyo, cảnh báo về "rủi ro đáng kể" với Seoul nếu điều này thành hiện thực.

"Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc tại Hàn Quốc sẽ bị giải tán, việc sử dụng cờ Liên Hợp Quốc sẽ chấm dứt", ông nói.

Park Soon-young, lãnh đạo của KWVA, cho biết ông hy vọng Bình Nhưỡng cũng sẽ nỗ lực thiết lập hòa bình giống như Seoul. "Mọi người nghĩ rằng chúng ta đang tiến gần đến hòa bình thực sự nhưng chúng tôi lo lắng về khả năng chính quyền Hàn Quốc đang mắc bẫy như những lần trước đây. Tin tưởng là điều quan trọng".

Tháng 8 năm ngoái, hàng chục người già Hàn Quốc và Triều Tiên gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi gia đình họ ly tán sau cuộc chiến gần 70 năm trước.

Kể từ năm 1988, hơn 132.000 người đã đăng ký với Hội Chữ thập đỏ ở Hàn Quốc để tham gia chương trình đoàn tụ theo hình thức bốc thăm này. Hơn một nửa trong số họ đã qua đời.

"Tôi đã đăng ký cách đây 30 năm nhưng vẫn chưa được chọn", Nam Gyu-hyeong, 80 tuổi, nói.

"Tôi không còn nhiều thời gian nữa. 5 trong số 9 người cùng tôi rời khỏi Triều Tiên năm xưa đã mất rồi".

Phương Vũ

 

Chia sẻ bài viết qua email