Cả tuần qua, Minh Nam (công nhân công ty Jujin Kreves VN, Khu Chế xuất Linh Trung, Thủ Đức, TP HCM) đã rảo khắp các trung tâm, nhà hàng tổ chức tiệc cưới quanh Khu chế xuất. Tuy nhiên, với số tiền 10 triệu đồng gom góp dành dụm mấy năm nay, anh vẫn chưa chọn được chỗ đặt tiệc cho đám cưới dự định khoảng 2 tháng nữa.
Nam và Hải đã yêu nhau 3 năm. Hồi cuối năm này, hai người đã dự định tổ chức cưới. Nam cho biết: "Tính tổ chức đơn giản gọn nhẹ thôi, chỉ mời bố mẹ mình ở ngoài Bắc vào và gia đình Hải ở Bến Tre lên. Tiệc cưới đặt khoảng 20 bàn để hai gia đình, bạn bè làm cùng xí nghiệp chung vui". Dù nghèo, đôi bạn này vẫn muốn tổ chức đám cưới có đầy đủ cha mẹ, người thân, bạn bè góp mặt.
Chi phí tính sơ đã ngót nghét 15 triệu đồng. Không đủ tiền, đám cưới cuối năm đành dời lại, hy vọng đầu năm đỡ tiền hơn vì không phải vào mùa cưới. "Đâu ngờ mới đầu năm mà giá cả đã tăng chóng mặt. Bây giờ nếu tính hết, chắc phải hơn 20 triệu đồng mới đủ", Hải cho biết. Lương tháng của một công nhân may chưa đến triệu rưỡi, chi phí hết cho các khoản, mỗi tháng dành dụm được hai, ba trăm nghìn đồng. "Chắc lại hẹn đến cuối năm", Hải buồn bã nói.
Đám cưới công nhân dù tổ chức đơn giản nhưng cũng là việc quá sức trong thời buổi tăng giá chóng mặt. Ảnh: T.A. |
Bà Ngọc Tú, chủ một nhà hàng trên đường Kha Vạn Cân, Thủ Đức cho biết hiện nay, giá bàn tiệc tại nhà hàng này đã lên đến 1,8 triệu đồng, thấp nhất cũng phải 900.000 một bàn. So với cách đây một tháng, giá đã tăng thêm đến hơn 30%.
"Giá thức ăn tăng đến chóng mặt. Một số loại như thịt heo, cua lột, gà ta mua vào giá đã cao gấp đôi. Tuy vậy, nhà hàng chỉ cho tăng giá bàn lên 30%, doanh thu giảm đi nhiều nhưng như thế mới cạnh tranh được", bà Tú cho biết.
Theo chị Kim, nhân viên nhà hàng tiệc cưới Ngọc Hoa (Khu Công nghiệp Sóng Thần I, Dĩ An, Bình Dương), trước đây khách có thể đặt tiệc trước hơn nửa năm cũng chẳng sao vì giá cả không mấy thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay, nhà hàng chỉ muốn nhận những hợp đồng đặt trước nửa tháng đến một tháng.
Chị Kim giải thích: "Giá cả biến động khó lường, nhà hàng phải mặc cả lại với khách, phiền phức lắm! Công nhân cũng không có nhiều tiền, thường họ chọn giảm món, giảm thức ăn. Mà như vậy nhà hàng sẽ mang tiếng".
Hầu hết các nhà hàng tiệc cưới xung quanh các "phố công nhân" Khu Công nghiệp Tân Thuận, Sóng Thần, Khu chế xuất Linh Trung... đều có cách trang hoàng, bài trí đơn giản. Các khu đãi tiệc được ngăn bằng những bức tường che di động, luôn có thể chỉnh sửa lại theo yêu cầu của khách hàng. Như vậy cũng vẫn là quá sang so với tiền lương công nhân ít ỏi. Nhiều đôi yêu nhau không dám bước vào đây. Không ít đám đã chọn hành lang dọc khuôn viên nhà hàng để tổ chức lễ cưới, chi phí nhờ đó được giảm bớt 5-7%.
Vì lý do giá cả thị trường tăng hằng ngày, không thể đưa ra mức giá cụ thể trước được, nên nhiều nhà hàng đến gần ngày cưới lại báo giá mới cho khách. Nếu cô dâu chú rể không thể "theo" nổi, chỉ có cách giảm bớt món hoặc lượng đồ ăn.
Tại nhà hàng tiệc cưới Như Vân (Dĩ An, Bình Dương), một đôi bạn trẻ đang căng mắt đọc bảng thực đơn tiệc cưới nhà hàng. Cô gái tên Hà Linh (công nhân công ty may Hung Wah, Dĩ An, Bình Dương)cho hay: "Tụi mình đang chọn thực đơn đặt tiệc cho đám cưới vào ngày 30/4 tới". Gần một tiếng đồng hồ, cả hai vẫn chưa chọn được. Hơn chục bảng thực đơn loại 4 món, nhưng giá đều 850.000-950.000 đồng một bàn, chưa tính đồ uống.
Sau khi làm lễ ăn hỏi hồi tháng 11, Linh - Đạt đã đặt chỗ nhà hàng để qua năm tổ chức đãi tiệc. Từ đó đến nay, nhà hàng đã 2 lần báo tăng giá. Linh bức xúc: "Lần trước báo tăng 10%, lần này là 15%. So với mức giá hồi tháng 11 thì bây giờ chi phí đã đội lên thêm 6 triệu đồng cho 30 bàn tiệc".
Tính luôn cả tiền bia, nước ngọt và tiền "vòng ngoài" (dàn nhạc, cổng hoa, bắn pháo bông) Linh cho biết, số tiền dôi ra hơn chục triệu đồng. Cô rầu rĩ: "Bây giờ tụi mình chưa biết phải tính sao! Ngày cưới đã ấn định rồi. Vả lại, giá chỉ có tăng thêm chứ làm gì có chuyện giảm xuống!". Còn Đạt thì chặc lưỡi: "Số tiền còn thiếu hụt, chắc phải sau tiệc cưới có tiền mừng mới trả được".
Nhưng tiền mừng của công nhân lại không thể tăng kịp theo trượt giá. Tính cả tiền bia, nước ngọt, dàn nhạc, cổng hoa, trung bình chi phí cho mỗi bàn tiệc 10 người hơn triệu đồng. Còn tiền mừng tối đa chỉ 100.000 đồng một khách, không ít người chỉ đi phong bì 50.000 đồng hoặc món quà vài chục nghìn đồng.
"Bạn bè cũng là công nhân làm chung xí nghiệp, tiền lương đều ít ỏi như nhau. Có muốn đi hơn cũng đâu có được". Thanh Huyền - công nhân công ty Kollan (Khu chế xuất Linh Trung Thủ Đức TP HCM) tâm sự. Đã tính cả tiền mừng, riêng tiền đãi tiệc cũng lỗ mất 30-40%, chưa kể đến một khoản không nhỏ để in thiệp mời, thuê áo cưới, làm tóc, trang điểm, chụp hình.
"Đừng trông chờ vào tiền mừng, coi chừng thâm nợ", Huyền thấm thía. Sau đám cưới, vợ chồng cô đã mang nợ gần chục triệu đồng. Hai người bạn thân cùng quê Thanh Hóa của Huyền vừa làm đám cưới cách đây một tuần, sau khi tiệc tan đã phải cởi luôn chiếc nhẫn cưới ra trả cho nhà hàng vì không đủ tiền.
Vi Vi