Soliara, binh sĩ Ukraine 46 tuổi, thành viên tổ vận hành thiết bị bay không người lái (UAV) của Lữ đoàn Trinh sát Pháo binh Độc lập số 15 Ukraine, cùng đồng đội nín thở chờ đợi sau khi khai hỏa rocket về phía một hệ thống radar phòng không Nga hồi cuối tháng 10.
"Vẫn còn khoảng một phút nữa", Soliara thông báo về thời gian ước tính rocket chạm tới mục tiêu. Bầu không khí sau đó lập tức yên lặng trở lại, mọi người chăm chú theo dõi hình ảnh do UAV trinh sát truyền về.
Đây là mẫu UAV "Cá mập", có hình dạng giống như tên gọi, được trang bị camera độ phân giải cao với khả năng phóng đại hình ảnh lên gấp 30 lần, giúp người điều khiển có thể nhìn thấy chữ cái trên quần áo đối phương ở khoảng cách tới 2 km. UAV này trước đó đã giúp đội của Soliara phát hiện vị trí tổ hợp radar Nga để phóng rocket tập kích.
Tuy nhiên, giống như nhiều mẫu UAV khác trong biên chế Ukraine, "Cá mập" có thể bị ảnh hưởng bởi các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.
Đây là điều đã xảy ra với đội của Soliara, khi tín hiệu từ UAV "Cá mập" bị gián đoạn một thời gian ngắn do bị Nga gây nhiễu. Khi hình ảnh xuất hiện trở lại, Soliara và đồng đội nhìn thấy một hố sâu có khói bốc lên, cho thấy quả rocket đã rơi cách trạm radar Nga khoảng 50 mét. Lính Nga sau đó đã di chuyển trạm radar tới nơi an toàn.
Sau vụ tập kích hụt, Soliara điều khiển chiếc UAV quay về căn cứ, sẵn sàng triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
Cuộc tấn công bất thành diễn ra tại một địa điểm không được tiết lộ ở phía tây bắc tỉnh Kharkov và là ví dụ điển hình của cuộc chiến "mèo vờn chuột" hiện nay trên chiến trường Ukraine. Một bên đóng vai kẻ đi săn, liên tục triển khai UAV để tìm diệt khí tài đắt tiền của đối phương, bên còn lại tìm cách chạy thoát hoặc vô hiệu hóa năng lực kẻ săn mồi. Vai trò của hai bên liên tục được đổi chỗ, kẻ đi săn có thể trở thành con mồi bất cứ lúc nào.
Ngoài việc được sử dụng làm phương tiện chỉ thị mục tiêu, UAV còn có các phiên bản tấn công tự sát hoặc thả lựu đạn để có thể trực tiếp công kích đối phương.
Trong cuộc chiến này, Nga dường như đang là bên có lợi thế hơn, nhờ vào việc sở hữu số lượng UAV áp đảo. Phó chỉ huy Lữ đoàn Xung kích Độc lập số 80 Ukraine, người mang hô hiệu "Swift", tháng trước cho biết Nga thường sử dụng tới hai UAV để tập kích một mục tiêu, cũng như tấn công cả các mục tiêu có giá trị thấp, cho thấy Moskva dường như sở hữu lượng lớn UAV trong kho.
Năng lực tác chiến điện tử của Nga cũng được đánh giá vượt trội Ukraine. Những hệ thống mới như đài gây nhiễu Shipovnik-Aero rất khó bị phát hiện, có khả năng mô phỏng nhiều loại tín hiệu khác nhau và sở hữu nhiều biện pháp vô hiệu hóa UAV. Trong khi đó, các tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 hay Borisoglebsk-2 được ví như "sát thủ vô hình" trên chiến trường, có thể gây nhiễu, vô hiệu hóa tín hiệu dẫn đường và chiếm quyền điều khiển UAV Ukraine.
"Đáng tiếc là đối phương đã vượt xa chúng ta về lĩnh vực tác chiến điện tử", phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ignat nói hồi tháng 7. "Ukraine cũng đạt nhiều bước tiến trong lĩnh vực này, nhưng chúng ta khởi đầu quá muộn, đáng lẽ điều đó phải diễn ra sớm hơn".
Nhờ ưu thế về năng lực chế áp, lực lượng Nga thể hiện tốt hơn Ukraine khi phải đóng vai trò kẻ bị săn. "Nga bổ sung các hệ thống tác chiến điện tử hoạt động trên nhiều tần số, che giấu chúng một cách hiệu quả và di chuyển các tổ hợp phòng không tới địa điểm mới khi biết bị tấn công", Soliara cho biết.
Giới chức Ukraine nhận thức được các điểm yếu này và đang tìm cách khắc phục. Tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhny tháng này kêu gọi Mỹ chuyển giao công nghệ, vũ khí mới nhằm nâng cao năng lực tác chiến điện tử của Kiev.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal thông báo phân bổ khoản ngân sách tương đương 1,1 tỷ USD để đầu tư vào lĩnh vực UAV. Bộ trưởng Chuyển đổi số Mykhailo Fedorov hồi tháng 9 cũng cho biết Ukraine đã đào tạo được hơn 10.000 chuyên gia điều khiển thiết bị không người lái trong năm nay, nhằm chuẩn bị cho "giai đoạn mới của chiến sự".
UAV "Cá mập" là một thành quả từ nỗ lực đầu tư vào lĩnh vực này của Ukraine. Có giá thành sản xuất hơn 50.000 USD, song thiết bị này đã hỗ trợ đội của Soliara phá hủy hàng chục mục tiêu giá trị cao của Nga, như hệ thống phòng không, trạm radar.
"Khoảng một tháng sau khi tôi gia nhập đội, chúng tôi phát hiện một tổ hợp phòng không của đối phương và tấn công nó. Đó là một cảnh tượng tuyệt vời", binh sĩ mang hô hiệu Shinobi, chỉ huy tổ vận hành UAV của Lữ đoàn Trinh sát Pháo binh Độc lập số 15 Ukraine, cho biết, nhấn mạnh rằng tổ hợp phòng không Nga "nổ như pháo hoa" khi bị tập kích.
Theo các thành viên lữ đoàn, kho UAV Ukraine gồm các dòng nội địa do tập đoàn quốc phòng hoặc công ty khởi nghiệp chế tạo, cùng các mẫu hiện đại được phương Tây cung cấp. UAV nội địa dễ sửa chữa hơn khi bị hư hại, do có thể ngay lập tức gửi về nơi sản xuất để khắc phục thay vì phải mất thời gian chuyển ra nước ngoài.
"Việc sửa chữa và vận hành UAV 'Cá mập' rất đơn giản. Chúng tôi chưa từng mất chiếc 'Cá mập' nào cả", Soliara cho biết.
Các dòng UAV trinh sát sở hữu khả năng quan sát xa như "Cá mập" có giá trị đặc biệt tại chiến trường Ukraine, do nó là phương tiện hiệu quả để chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh, vũ khí chủ đạo trong cuộc chiến.
"Nếu như pháo binh từ lâu đã được coi là vị thần chiến tranh thì thiết bị chỉ thị mục tiêu cho pháo binh có thể gọi là đôi mắt của thần", Soliara nói.
Phạm Giang (Theo Reuters)