![]() |
Hơn 30 năm ông gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan. Ảnh: P.V. |
Ông Bản sinh năm 1938, địa chỉ gốc tại số 11 Điện Biên Phủ, phường Máy Tơ, Ngô Quyền, Hải Phòng. Ông cho biết, năm 1971, vì đấu tranh chống tiêu cực với lãnh đạo Xí nghiệp Đoàn tàu đánh cá Hạ Long, người công nhân tiện Nguyễn Sĩ Bản bị bắt. Cùng thời gian này, hộ khẩu của ông tại đây đã bị cắt. Sau hơn 2 năm giam giữ, 5 lần TAND quận Ngô Quyền đưa ra xét xử nhưng không tuyên được án. Ông được thả tự do.
Theo ông, được tự do nhưng từ đó đến nay quyền lợi của ông không được phục hồi. Cơ quan xét xử ở Hải Phòng im lặng, không đưa ra kết luận về trường hợp của ông. Không có ý kiến cùng hồ sơ của cơ quan chức năng, ông và gia đình trở thành vô gia cư, không chứng minh thư, hộ khẩu...
Buộc phải rời quê hương lưu lạc ở trời Nam, người công dân già Nguyễn Sĩ Bản vẫn đau đáu được trở lại quê hương, được nhập lại hộ khẩu ở đây. "Suốt 36 năm qua, tôi và gia đình sống trong cảnh oan khuất, khó khăn về kinh tế, ức chế về tinh thần. Tôi và gia đình vẫn sống ở Việt Nam mà không có quốc tịch, không hộ khẩu...", ông trình bày. Vì điều này, con và cháu ông đẻ ra không có giấy chứng sinh. Để có đủ hồ sơ xin học cho cháu, gia đình ông phải đi mua giấy khai sinh. Ông lo ngại một mai khi "trăm tuổi", vợ chồng ông cũng sẽ không được khai tử, như bao công dân khác được nhà nước quan tâm, bảo vệ.
Giờ ở TP HCM, với tuổi thất thập cổ lai hy ông vẫn ngày ngày rong ruổi trên đường với đôi dép tông vẹt đế vất vả cho cuộc sống mưu sinh và hành trình đi tìm công lý. Ông chỉ mong được cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết để được nhập hộ tịch, đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng như mọi công dân khác..
Ông "gõ" cửa nhiều cơ quan quyền lực suốt từ Nam chí Bắc kiến nghị về việc này. Từ Thành ủy TP HCM, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội... Các cơ quan sau đó đều lên tiếng, chuyển hồ sơ cho TAND Hải Phòng, VKSND Hải Phòng giải quyết xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng "nỗi niềm" của ông Bản vẫn... rơi vào im lặng. Những người có trách nhiệm phải trả lại sự công bằng cho công dân này vẫn chưa lên tiếng.
A.T.