-
16h30
Doanh nghiệp làm gì để tiếp cận nhanh dòng vốn
Phần cuối toạ đàm, đại diện doanh nghiệp, ngân hàng đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và phát triển. Trong đó, đại diện Việt Úc đặt vấn đề con người lên hàng đầu. "Lãnh đạo phải cởi mở, có kinh nghiệm trong quá trình quản lý, vận hành xây dựng hệ thống, có tư duy về công nghệ. Các doanh nghiệp phải liên kết, để lớn mạnh. Dù 40% lao động Việt Nam trong ngành nông nghiệp nhưng cần phải đầu tư, đào tạo hơn nữa", ông Tuấn nói.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp xây dựng Thép Tiên Phong thì cho rằng, các doanh nghiệp từ mỗi vùng, miền, mỗi ngành phải biết thế mạnh của mình ở sản phẩm, chiến lược riêng.
Ở góc nhìn cơ quan quản lý, theo bà Giang cần có những yếu tố tổng hoà, từ nhân lực, thế mạnh kinh doanh, quản trị điều hành, tính công khai minh bạch về thông tin, tài chính của các doanh nghiệp để tạo niềm tin cho các ngân hàng thương mại.
-
16h18
Doanh nghiệp nhỏ "lép vế" khi tiếp cận tín dụng
"Câu chuyện tiếp cận vốn tín dụng xưa nay được nhìn dưới góc độ khó khăn và cũng là thách thức với ngân hàng", bà Giang nhận định về bức tranh chung. Những doanh nghiệp lớn, khách hàng FDI lớn có sự cạnh tranh tốt hơn với nhóm trong nước. Đây cũng là phân khúc mà nhiều ngân hàng ưu tiên bởi rủi ro thấp, tiềm năng lại cao, theo bà Giang.
Trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức một chương trình tại 63 tỉnh thành để tạo cơ hội gặp gỡ giữa khách hàng và các ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn.
Nói về đề xuất riêng, ông Phạm Thanh Phương cho rằng nên tiết giản quy trình. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cần tự hoàn thiện mình, nhất là yếu tố con người. "Một tuần chúng tôi có thể nhận một hai chục cuộc gọi là chuyện bình thường. Vì mấu chốt ở đây là lịch sử tín dụng của chúng tôi tốt", ông Phương nói.
Nếu có tổ chức đỡ đầu như hiệp hội, quỹ đứng ra sẽ là bảo đảm tốt với doanh nghiệp non trẻ.
-
16h00
Lợi thế của nông nghiệp Việt trong mắt nhà đầu tư
Ông Phạm Thanh Phương cho rằng, ngoài chiến lược kinh doanh, ngân hàng còn nhìn vào nguồn nhân lực, uy tín, năng lực của bộ máy lãnh đạo, lịch sử tín dụng... để cho vay.
"SMEs phải thay đổi để phù hợp chính sách chứ không thể kêu ca, trong khi chưa đáp ứng tiêu chí cơ bản của việc cho vay", ông Phương nhấn mạnh.
Chia sẻ lý do đầu tư vào Việt Nam trên quy mô lớn, đại diện Tập đoàn Việt Úc cho biết, Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu thuỷ sản trên thế giới, sau Nauy và Trung Quốc. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm, cá lần lượt đạt 4 tỷ USD và 2 tỷ USD, nhưng không nhiều người biết tới. Việt Nam sở hữu lợi thế sản xuất thô, điều kiện thiên nhiên, nguồn nhân lực. "Vấn đề là tạo giá trị gia tăng. Việt Úc đã xây dựng chuỗi khép kín, giống, nuôi, thức ăn, truy xuất được nguồn gốc... với mong muốn nâng tầm tôm Việt, đưa ra thế giới, từ đó nhân rộng tới nhiều lĩnh vực khác", vị này chia sẻ.
Vị này cũng bày tỏ mong muốn tương lai đẩy mạnh liên kết với nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện công nghệ trên thế giới để xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng cho việc kiểm soát, tuân thủ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó là liên doanh với thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài, tạo lợi thế win-win. Hiện công ty đã có nhà đầu tư Mỹ, châu Á.
-
15h45
'Cần bảo hiểm rủi ro khi vay vốn nông nghiệp'
Theo bà Giang, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, chính sách cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ngày càng hoàn thiện, nổi bật là Nghị định 116, có để cập cho vay không có tài sản bảo đảm lên tới 3 tỷ đồng với khách cá nhân và 70% dự án cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, rủi ro khi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp không nhiều. Với những rủi ro ngoài ý muốn như thiên tai, người vay được ưu đãi về lãi, khoanh nợ. Nếu khách hàng vay trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tiếp cận trần lãi suất.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần thêm những chính sách phòng ngừa cho rủi ro nông nghiệp. Có thể là một loại bảo hiểm. Đây là cơ sở để ngân hàng tự tin hơn khi cho vay. Ở góc độ địa phương, hiệp hội, ngành nghề cũng nên có tác động để minh bạch thông tin tài sản.
Về phía doanh nghiệp, ông Tuấn cũng đồng tình là "có quá nhiều rủi ro khi doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn". Việt Úc rất thận trọng khi vay vốn và đa phần sử dụng nguồn vốn tự có. Nghị định 116 theo ông Tuấn sẽ tác động đến những công ty vừa và nhỏ nhiều hơn. "Mấu chốt là làm sao mở nút thắt cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Bên cạnh đó là hệ thống quản trị doanh nghiệp cần chất lượng hơn", ông Tuấn nói.
-
15h40
Doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế
Theo người điều phối, kinh tế nông nghiệp của Việt Nam đang ngày một hấp dẫn bởi các lợi thế về mặt chính sách, thị trường nội địa và quốc tế, nguồn nhân lực, ưu đãi về thổ nhưỡng... "Tuy nhiên, những lợi thế đó có đủ để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ đầu tư, tiệm cận với mặt bằng chung quốc tế hay không?", vị này đặt câu hỏi.
Đại diện Tập đoàn Việt Úc, đơn vị được rót vốn FDI cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn, với mong muốn đầu tư ở tất cả mảng nông nghiệp của Việt Nam. "Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, hộ gia đình... phải chuyên nghiệp hoá, có chính sách thu hút nhân tài về ngành nông nghiệp để đáp ứng nguồn lớn FDI muốn giải ngân vào Việt Nam", ông nhận định.
Về vai trò của doanh nghiệp địa phương trong việc thu hút nhà đầu tư quốc tế, theo ông Phạm Thanh Phương, các doanh nghiệp nội địa có nhiều điểm yếu. Trước hết là thiếu khả năng quản trị, khả năng cam kết, tuân thủ, như thoả thuận nhưng lại không đảm bảo chất lượng, số lượng, thậm chí phá vỡ hợp đồng.
Thứ hai là nhân lực, cả về công nhân, kỹ thuật, quản trị... của Việt Nam rất yếu. Tiếp đó là cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp lớn vào có quỹ đất làm hay không, có nhà máy chế biến hay không.
Bên cạnh đó, logistics ngành nông nghiệp theo vị này còn hạn chế. "Ví dụ khi chế biến dưa lưới xuất khẩu sang Nhật phải chở Bình Thuận tới Tây Ninh, chi phí là rất lớn", ông Phương lấy ví dụ.
-
15h35
Hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ cần ưu tiên về vốn
Để hấp thụ dòng vốn tín dụng nông nghiệp, bà Giang nói còn nhiều dư địa cho nhóm chế biến và hậu cần. Nhóm chế biến nếu tiếp tục phát triển sẽ lôi kéo cho các nhóm còn lại.
Còn ông Trần Quốc Tuấn cho biết Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu thuỷ hải sản, nhất là tôm và cá. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn không nhiều. "Những công ty gia đình, nhỏ lẻ thường khó vay vốn. Chúng ta cần một tổ chức tài chính đứng ra tư vấn đường hướng, để từ 2-3 năm tới họ sẽ phát triển và mở rộng quy mô", ông Tuấn nói.
Cũng đi lên từ một doanh nghiệp nhỏ, ông Phạm Thanh Phương đồng tình với câu chuyện từ bà Giang và ông Tuấn. "Trong Covid-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thêm nhiều vốn để tái khởi động. Nhóm này chiếm số lượng chính trong ngành nông nghiệp", ông Phương nói thêm.
-
15h20
Cái khó của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn
Theo ông Phạm Thanh Phương, cơ chế chính sách dù tốt nhưng không dễ cho doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình tiếp cận. Vị này đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất, việc minh bạch hệ thống kế toán của các đơn vị này thường không theo chuẩn của ngân hàng đưa ra. Thứ hai là tài sản đảm bảo. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp có đất ở tỉnh nhưng trụ sở ở thành phố lớn thì ngân hàng thường không chấp nhận cho vay vốn. Ba là việc định giá dựa trên đất nông nghiệp không được đánh giá đúng mức. "Một hecta đất có giá trị 400-500 triệu, nhưng một nhà màng trồng rau đến 4-5 tỷ trên đó thì không được xem là tài sản đảm bảo để cho vay", vị này dẫn chứng.
Bên cạnh đó, về khả năng quản trị, hiệu quả dự án kinh doanh... phần lớn các công ty không thể chứng minh hoặc không có khả năng thuyết phục ngân hàng để vay vốn.
Ông Nguyễn Đức Tùng đưa ra một ví dụ tại Thái Lan, khi nước này quy định sản lượng mà doanh nghiệp cam kết trồng sản phẩm trong thời gian nhất định trên diện tích đất nông nghiệp được coi tài sản đảm bảo.
Đại diện Tập đoàn Việt Úc cũng chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp này khi xây nhà màng 3-4 năm trước. Khi đặt yêu cầu với bên thiết kế với 5 nhà màng giá trị 50 tỷ thì bên này lại không có đủ nguồn vốn để triển khai nhà màng. Hay các đại lý giống chủ yếu là quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, phải đem xe cộ nhà cửa thế chấp ngân hàng.
-
15h15
'Dư nợ tín dụng cao chưa đồng nghĩa với hiệu quả'
Ông Trần Quốc Tuấn đánh giá dư nợ tín dụng của ngành nông nghiệp sẽ còn tiếp tục tăng. Song vị này cho rằng, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần có sự đầu tư hơn nữa. "Việt Nam hiện nay giống như trang trại cho khu vực và thế giới khi cung cấp thị, cá, rau, gạo, gia vị... Vậy thì làm sao đầu tư vào đó cho xứng đáng, hiệu quả", ông Tuấn nói.
Không đánh giá số con số 2,25 tỷ đồng dư nợ tín dụng của ngành nông nghiệp là đủ hay thiếu, ông Phạm Thanh Phương quan tâm hơn đến việc cụ thể hoá số vốn này bằng GDP và đóng góp cho nền kinh tế. Bởi nông nghiệp không chỉ phục vụ an ninh lượng thực mà còn xuất khẩu.
Theo cá nhân bà Hà Thu Giang, các ngân hàng được khuyến khích cho vay ở những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp. Tăng trưởng dư nợ nông nghiệp nông thôn bình quân của 5 năm qua là 18%. So với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại đang ở vị trí cao nhất. "Điều đó thể hiện nông nghiệp đang được quan tâm, ưu tiên đầu tư rất tốt", bà Giang nói.
-
15h10
Dòng vốn giúp doanh nghiệp cải thiện hạ tầng
Ở góc độ tích cực, đại diện doanh nghiệp, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Việt - Úc cho biết, dòng vốn trong dịch Covid-19 giúp xây dựng không ít doanh nghiệp cải thiện hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thuỷ hải sản ở các vùng nông thôn.
Ông Phạm Thanh Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp xây dựng Thép Tiên Phong cũng đánh giá sự kịp thời của các chính sách vốn từ Nhà nước thời gian qua, đặc biệt với hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp yếu thế. Nguồn vốn tạo sự ổn định, niềm tin cho doanh nghiệp để phát triển, mang lại ổn định về an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp nhỏ gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
-
15h05
Dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 2,25 triệu tỷ đồng
Mở đầu toạ đàm, người điều phối ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) nêu vấn đề dòng vốn như nút thắt quan trọng để phát triển thị trường nông nghiệp.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vốn, tài chính nông nghiệp Việt Nam hiện nay có dư nợ đạt 2,25 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh của nền kinh tế nói chung, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết, trong năm qua, ngành tín dụng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là giải ngân vốn và cho vay.
Riêng tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng được đặt trọng tâm nhiều hơn. Bằng chứng là dư nợ tín dụng 2020 tăng khoảng 10% so với năm 2019. Sự linh hoạt trong điều tiết của các ngân hàng tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô, giải quyết những khó khăn tạm thời.