Tiếp tục chuỗi tọa đàm về các vấn đề phát triển lĩnh vực nông nghiệp, tuần này với chủ đề "Khơi thông dòng vốn đầu tư cho nông nghiệp số", các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp đem đến góc nhìn tổng quan về dòng vốn đầu tư vào chuyển đổi số nông nghiệp.
Vốn được coi là một trong những điều kiện tiên quyết cho doanh nghiệp nông nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 2020, dư nợ tín dụng nông nghiệp đạt 2,25 triệu tỷ đồng, tỷ trọng cao nhất trong 4 nhóm ngành ưu tiên. Ở góc độ điều hành quản lý, có nhiều chính sách giúp khơi thông dòng vốn, song rào cản về thủ tục, quy định... vẫn "bó chân" doanh nghiệp nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp tỏ ra thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng những điều kiện cơ bản để tiếp cận vốn ngân hàng.

Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp tại toạ đàm. Ảnh: Cao Tuấn.
Sự kiện với sự góp mặt của bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Việt-Úc, ông Phạm Thanh Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp xây dựng Thép Tiên Phong. Điều phối là ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA).
Dư nợ tín dụng cao không đồng nghĩa với hiệu quả
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng 2020 tăng khoảng 10% so với năm 2019. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp bình quân trong 5 năm qua là 19,8%, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế.
"Con số này thể hiện nông nghiệp đang được quan tâm, ưu tiên đầu tư rất tốt", bà Giang, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định. Với các doanh nghiệp, dòng vốn đóng vai trò quan trọng để cải thiện hạ tầng nông ngiệp nông thôn, ứng dụng công nghệ, đặc biệt phát huy hiệu quả trong dịch Covid-19 vừa qua.
Dư nợ tín dụng cao, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhưng không dễ để tiếp cận là thực trạng được ông Phạm Thanh Phương nêu. Ví dụ tiêu biểu là yêu cầu về tài sản đảm bảo từ ngân hàng.
"Nhiều doanh nghiệp có đất ở tỉnh nhưng trụ sở ở thành phố lớn thì ngân hàng thường không chấp nhận cho vay vốn. Định giá dựa trên đất nông nghiệp cũng không được đánh giá đúng mức. Một hecta đất có giá trị 400-500 triệu, nhưng một nhà màng trồng rau đến 4-5 tỷ trên đó thì không được xem là tài sản đảm bảo để cho vay", vị này dẫn chứng.
Cũng theo các khách mời, những công ty gia đình, nhỏ lẻ, chiếm số lượng chính trong ngành nông nghiệp lại là đối tượng khó vay vốn.
"Các đại lý giống chủ yếu là quy mô nhỏ, đi vay là phải đem xe cộ nhà cửa thế chấp ngân hàng", đại diện Tập đoàn Việt Úc chia sẻ về câu chuyện đi tìm đối tác giống, xây nhà màng 5 năm trước.
Nhiều điểm yếu từ doanh nghiệp
Theo ông Phạm Thanh Phương, nguyên nhân khó tiếp cận vốn còn đến từ thực trạng, bản thân các doanh nghiệp không có khả năng thuyết phục, chứng minh khả năng quản trị, hiệu quả kinh doanh trước ngân hàng để vay vốn.

Ông Phạm Thanh Phương, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp xây dựng Thép Tiên Phong . Ảnh: Cao Tuấn.
Bên cạnh vấn đề quản trị, theo ông Phương, doanh nghiệp còn thiếu khả năng cam kết, tuân thủ, như thoả thuận nhưng lại không đảm bảo chất lượng, số lượng, thậm chí phá vỡ hợp đồng. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Vị này cho rằng, ngoài chiến lược kinh doanh, ngân hàng còn nhìn vào nguồn nhân lực, uy tín, năng lực của bộ máy lãnh đạo, lịch sử tín dụng... để cho vay. "SMEs phải thay đổi để phù hợp chính sách chứ không thể kêu ca, trong khi chưa đáp ứng tiêu chí cơ bản của việc cho vay", ông Phương nhấn mạnh.
Cần bảo hiểm rủi ro khi vay vốn nông nghiệp
Về rủi ro khi cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, những rủi ro ngoài ý muốn như thiên tai, người vay được ưu đãi về lãi, khoanh nợ. Nếu khách hàng vay trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tiếp cận trần lãi suất.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ảnh: Cao Tuấn.
Tuy nhiên, bà Giang cho rằng cần thêm những chính sách phòng ngừa cho rủi ro nông nghiệp. Có thể là một loại bảo hiểm. Đây là cơ sở để ngân hàng tự tin hơn khi cho vay. Ở góc độ địa phương, hiệp hội, ngành nghề cũng nên có tác động để minh bạch thông tin tài sản.
Đại diện Tập đoàn Việt Úc đặt vấn đề con người lên hàng đầu. "Lãnh đạo phải cởi mở, có kinh nghiệm trong quá trình quản lý, vận hành xây dựng hệ thống, có tư duy về công nghệ. Các doanh nghiệp phải liên kết, để lớn mạnh. Dù 40% lao động Việt Nam trong ngành nông nghiệp nhưng cần phải đầu tư, đào tạo hơn nữa", ông Tuấn nói.

Ông Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Cao Tuấn.
Ở góc nhìn cơ quan quản lý, theo bà Giang cần có những yếu tố tổng hoà, từ nhân lực, thế mạnh kinh doanh, quản trị điều hành, tính công khai minh bạch về thông tin, tài chính của các doanh nghiệp để tạo niềm tin cho các ngân hàng thương mại.
Xem diễn biến chính