Hôm qua cũng là ngày đầu tiên số ca nhiễm trong ngày ở Việt Nam dưới mốc 10.000, tính từ 19/8. Nhiều tỉnh, thành phía Nam ghi nhận số ca nhiễm giảm; TP HCM giảm 4.395 ca, Bình Dương giảm 1.191 ca so với ngày trước đó.
Tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải thông báo sẽ lập 6 chốt cho người và phương tiện từ "vùng đỏ" đến "vùng cam" và 16 chốt đến "vùng xanh". Người và phương tiện phải thuộc diện được phép ra đường.
Cụ thể, người và phương tiện từ "vùng đỏ" ra vào "vùng cam" phải qua 6 chốt ở 6 cầu, gồm: Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.
Người và phương tiện từ "vùng đỏ" đến "vùng xanh" và ngược lại phải qua 16 chốt: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.
Tại các chốt kiểm soát, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội bố trí hệ thống biển báo gồm: Biển chốt kiểm dịch, biển luồng xanh, biển hạn chế tốc độ, biển báo hướng dẫn giao thông từ xa... Tại các vị trí chốt trên tuyến đường có tốc độ phương tiện lưu thông cao, Sở bổ sung gờ giảm tốc, chóp nón.
Ngoài ra, với 27 chốt cứng khác, người và phương tiện không được phép lưu thông. Lực lượng chức năng đã lắp đặt chốt, bố trí biển báo đường cấm, biển hạn chế tốc độ, biển hướng dẫn giao thông từ xa.
Thời gian thực hiện phương án giao thông trên từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9.
Tại TP HCM, giải thích về số ca nhiễm ngày 3/8 tăng lên gần 8.500, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho biết do nhiều quận huyện lấy kết quả test nhanh dương tính để mang đi làm xét nghiệm RT-PCR.
Thời gian qua Bộ Y tế tăng cường thêm cho thành phố test nhanh nhằm sớm tách F0 khỏi cộng đồng để điều trị, chăm sóc kịp thời. Những ngày qua số ca nhiễm được xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ở mức trên dưới 5.000 ca/ngày và số ca test nhanh có kết quả dương tính dao động 7.000-8.000 ca/ngày.
"Con số này khá lớn, trong gần 8.500 ca nhiễm được công bố hôm 3/9 có 5.785 (66%) mẫu đã test nhanh dương tính được các đơn vị cho làm lại bằng RT-PCR khẳng định", ông Tâm nói. Về mặt kỹ thuật, HCDC đã làm việc với các quận huyện và chấn chỉnh các trung tâm y tế địa phương để có con số chính xác.
Trả lời việc một số người đến hạn tiêm vaccine Moderna mũi 2 nhưng chưa được tiêm, ông Tâm cho biết đến nay tất cả vaccine Moderna tại thành phố đều do Bộ Y tế cấp, HCDC được giao tiếp nhận và cấp phát cho địa phương.
"Thực sự cho tới giờ thành phố chưa nhận được vaccine Moderna cho đợt 2. Ngành y tế đang tính giải pháp thay thế và tất nhiên việc này sẽ dựa trên nguyên tắc khoa học cũng như phù hợp với yếu tố chuyên môn", ông Tâm nói.
Tại Bình Dương, chính quyền quyết định chi 13 tỷ đồng hỗ trợ khoảng 1.200 F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong 30 ngày.
Theo đó, 800 người phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh Covid-19 nhận 200.000 đồng/người/ngày; 400 người phục vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung nhận 150.000 đồng/người/ngày. Những tình nguyện viên này còn được hỗ trợ 80.000 đồng tiền ăn mỗi ngày, 100.000 đồng mỗi ngày của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh từ nguồn xã hội hóa.