Điều này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng vô cùng ý nghĩa với những nhân viên của Neet People, công ty mô phỏng dành cho những người trẻ ở độ tuổi 20-30, không có học vấn cao, không việc làm và không được đào tạo (NEET - Not in Education, Employment, or Training). Công ty là nơi để họ có cảm giác là thành viên của xã hội cũng như hỗ trợ họ trong hành trình xác định vai trò của mình.
"Chúng tôi cảm thấy rằng xã hội hiện tại đã mất đi ý thức cộng đồng nên tạo ra một nền tảng để người trẻ tuổi cảm thấy thoải mái khi là chính mình", Jeon Seong-shin, CEO và là nhà đồng sáng lập của Neet People, trả lời trong 1 cuộc phỏng vấn.
Jeon và Park Eun-mi thành lập công ty vào năm 2019 sau khi rời bỏ công việc ở một quỹ đầu tư. Tuy đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc, nhưng Jeon vẫn cảm thấy căng thăng và lo lắng khi phải tìm kiếm công việc mới. Cô quyết định tạo ra một nơi để những người trong hoàn cảnh tương tự có thể gặp gỡ và chia sẻ.
Cùng với chương trình chính của mình, Neet Company có thêm ba chương trình mới vào năm 2022: Neet Office để có trải nghiệm văn phòng trực tiếp, Neet Investment để hỗ trợ tài chính và Neet Connect dành cho các cuộc tụ họp xã hội.
Chương trình Neet Company có khoảng 100 người tham gia mỗi kỳ, trong khi Neet Office có khoảng 5 người do không gian văn phòng hạn chế. Những người tham gia tự nghĩ ra chức danh công việc và tự quyết định nhiệm vụ hàng ngày của mình, chẳng hạn như đọc sách hoặc tổ chức hội thảo về các chủ đề mà họ thấy thú vị. Mỗi tuần đều diễn ra một cuộc họp với mục đích chia sẻ kế hoạch cho tương lai hoặc sở thích của họ.
"Có những người sợ đến văn phòng và cảm thấy khó nhìn vào mắt người khác để giao tiếp. Vì vậy, chúng tôi đã tìm cách đưa ra các tình huống thực hành xã hội để giúp đỡ họ," Jay Lim, thành viên sáng lập kiêm quản lý của công ty chia sẻ về chương trình Neet Office.
Hai chương trình này có một quy trình tuyển dụng độc đáo: những người tham gia sẽ là người phỏng vấn, thay vì công ty phỏng vấn ứng viên.
"Khi phỏng vấn cho một công việc bình thường, bạn cần trải qua quá trình tuyển chọn. Chúng tôi là một cộng đồng được hình thành dựa trên nhu cầu của những người tham gia. Vì vậy, chúng tôi cho họ biết hoạt động của công ty, và để họ quyết định xem có muốn tham gia hay không", CEO Park Eun-mi cho biết.
"Chúng tôi làm việc này với mục đích xây dựng một xã hội lý tưởng, trong đó mọi người không bị cô lập và có thể kết nối với nhau, để họ có thể nhắc nhở bản thân rằng mình cũng là một thành viên của xã hội bất kể công việc hay danh tính", Park nói.
Trong những năm qua, công ty đã gặp hàng trăm người trong hoàn cảnh NEET. "Ngay cả khi họ bắt đầu kinh doanh hay đi làm, đó vẫn chưa phải là kết thúc. Họ có thể gặp thất bại và khó khăn, nhưng quan trọng là họ đã thay đổi. Giờ đây họ có bạn bè và đồng nghiệp để dành thời gian cho nhau, thay vì trở nên suy sụp", Jeon chia sẻ.
Mặc dù các chương trình hiện tại của công ty hướng nhiều hơn đến thế hệ trẻ, Lim cho biết công ty đang phát triển tầm nhìn lớn hơn để mở rộng và hướng tới tất cả những người NEET nhiều tuổi hơn.
"Chúng tôi thành lập công ty này dựa trên nhu cầu của bản thân, khi chúng tôi đang ở độ tuổi trưởng thành. Nhưng NEET có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả khi bạn 60 tuổi", cô cho biết.
Đức Anh (Theo Korea Times)