Cầm một triệu đồng lương tháng 12, Nguyễn Thị Chung, công nhân công ty túi kéo Pungkook Sài Gòn, Khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM tần ngần bước vào hàng sơ mi giảm giá. Sau một hồi mặc cả, cô mua được 5 chiếc áo làm quà cho bố và 4 đứa em trai ở quê, với tổng số tiền 100.000 đồng.
Nhiều công nhân khu chế xuất Tân Thuận, TP HCM rút lương tháng 12 mua quà Tết. Ảnh: L.H. |
“Mang tiếng đi làm tận Sài Gòn mà Tết về không có quà ngại lắm. Em cũng muốn mua hàng tốt, nhưng lương ít quá. Còn gần một tháng nữa mới nghỉ Tết, tiền nhà tháng 12 chưa trả hết, lại còn chi các khoản sinh hoạt khác nên đành mua hàng giảm giá cho tiết kiệm”, Chung nói, ánh mắt đượm buồn.
Chung 22 tuổi, quê ở tỉnh Phú Yên, vào Sài Gòn 4 năm, nhưng Tết này mới về thăm quê. Cô cho biết, thu nhập mỗi tháng hơn một triệu đồng, trừ tiền nhà, điện nước, sinh hoạt, chỉ dành dụm được gần 300.000 đồng. Hơn 2 tuần nữa mới nghỉ song cô đã mua vé tàu, “đóng gói” xong hành lý, sẵn sàng lên đường về...
Giống Chung, sau giờ tan ca hoặc ngày nghỉ, công nhân tại hầu hết các khu chế xuất - khu công nghiệp lại nô nức rủ nhau dạo quanh chợ cóc, chợ tạm chọn mua những món đồ ưng ý để sử dụng, hoặc gửi về quê dịp Tết.
Bùi Thu Loan, công nhân dệt khu công nghiệp Tân Bình vừa mua được một đôi giày, 2 chiếc áo khoác tặng mẹ và em gái, "tốn" 200.000 đồng. Loan quê Hải Hậu, tỉnh Nam Định, mới vào Gài Sòn được gần một năm nên chưa tích lũy được nhiều tiền. Tết này cô không về quê. Loan tâm sự, cô thường đắn đo rất kỹ trước khi mua một món đồ gì khoảng 50.000 đồng trở lên, vì với cô, đó là một khoản chi tiêu lớn.
“Lương chỉ có 900.000 đồng, nếu không tính toán chi ly thì xoay sở sao nổi. Mẹ em mới gọi điện giục về quê ăn Tết, vì nóng lòng xem con gái vào Sài Gòn thay đổi thế nào. Các cụ đâu biết mình làm ca kíp cũng vất vả, so ra không kém gì nghề làm muối ở quê”, Loan chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Xuyến, quê Hải Dương, công nhân khu chế xuất Linh Trung cũng không về quê, dồn tiền gửi biếu bố mẹ. Xuyến ở Sài Sòn đã 6 năm. Mỗi năm, trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, cô dành dụm được hơn 2 triệu đồng.
“Năm nay giá cả tăng liên tục, tiền thuê nhà tăng gần gấp đôi, lương như em khó mua được những phần quà ra tấm, ra món. Nếu về Tết, chỉ tính riêng chi phí tàu xe 2 lượt cũng gần một triệu đồng. Khoản này biếu bố mẹ cũng làm được nhiều việc”, Xuyến tính toán.
Dù xác định "thiệt, hơn" như thế nhưng Xuyến cũng không tránh khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến cảnh phải ăn Tết xa nhà. Cô cho biết, sẽ cố làm công nhân vài năm nữa, tích lũy thêm rồi về quê mở một tiệm may nhỏ.
Lương, thưởng thấp, công nhân mua mua hàng giảm giá làm quà Tết. Ảnh: L.H. |
Ghi nhận của VnExpress, sau Tết Dương lịch, các chợ tạm, "hàng đống" đua nhau "mọc" lên quanh các khu chế xuất - công nghiệp, hoặc nhà trọ đông công nhân. Các sản phẩm tồn kho, thanh lý, chủ yếu là quần áo, giày dép, dây thắt lưng, đồ chơi trẻ em... bày la liệt dọc hai bên đường với giá khá “bèo”: quần tây 30.000 - 35.000 đồng, áo sơ mi 20.000 - 25.000 đồng, váy em bé có 15.000 đồng...
Tuy nhiên không ít công nhân phản ánh mua hàng giảm giá vỉa hè rất may rủi, phần lớn chất lượng kém. Không ít quần áo, giày dép còn mới song đã sứt quai, bung chỉ.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP HCM, nhu cầu mua sắm của công nhân dịp cuối năm luôn tăng cao. Lao động nghèo nên tìm mua hàng giảm giá của các công ty, doanh nghiệp có uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.”.
Cũng theo ông Quang, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân sẽ phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM Saigon Co.op tổ chức đợt bán hàng lưu động tại 4 khu chế xuất – khu công nghiệp tại TP HCM là Tân Tạo, Tân Bình, Vĩnh Lộc, Linh Trung, ngày 29 - 31/1. Các sản phẩm được giảm giá 10% so với mức thông thường, chủ yếu là nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng.
Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân còn tổ chức tàu, xe cho gần 2.000 lao động trẻ về quê. Khoảng 6.000 công nhân ngoại tỉnh ở lại TP HCM sẽ có cơ hội tham gia các sân chơi văn hóa, văn nghệ, ẩm thực dân gian. Dự kiến có 1.000 phần quà cho bạn trẻ đón Tết tại những khu nhà trọ, khu lưu trú.
Lan Hương